Điểm tin 8-4: Nga mong chiến dịch ở Ukraine kết thúc 'trong vài ngày nữa'

(PLO)- Moscow muốn tiếp tục đàm phán với Ukraine, mong chiến dịch quân sự sẽ kết thúc sớm; Ukraine vẫn đang kháng cự ở nhiều thành phố; châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga, NATO hứa gửi thêm vũ khí cho Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Động thái từ Nga-Ukraine

Hôm 7-4, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng Moscow hy vọng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine có thể kết thúc “trong những ngày tới”, ở tương lai gần.

Ông cho biết thêm rằng có thể kết thúc chiến dịch quân sự theo hai cách, hoặc là quân đội Nga sẽ đạt được các mục tiêu quân sự, hoặc là Moscow và Kiev sẽ đạt được thoả thuận thông qua đàm phán, trong đó phụ thuộc nhiều vào việc Ukraine có sẵn sàng đồng ý với các điều khoản mà Nga đưa ra hay không. Ngoài ra, ông Peskov phủ nhận cáo buộc rằng quân Nga thảm sát dân thường ở các khu vực gần thủ đô Kiev và nói rằng đó là thông tin giả, theo đài RT.

Ngoài ra, ông Peskov cũng thừa nhận trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã có tổn thất quân số đáng kể và là một thảm kịch lớn với nước này, theo CNN. Đồng thời, ông cho biết lý do Nga rút khỏi khu vực Kiev và Chernihiv không phải là một sự chùn chân mà là “một hành động thiện chí trong các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Ukraine và Nga”.

Một góc đổ nát tại thành phố Chernihiv, Ukraine chụp được vào ngày 7-4. Ảnh: AP

Một góc đổ nát tại thành phố Chernihiv, Ukraine chụp được vào ngày 7-4. Ảnh: AP

Hôm 7-4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Kiev bất chấp những hành động mà Moscow cho là khiêu khích,hãng thông tấn TASS đưa tin. Ngoại trưởng Lavrov còn lưu ý rằng Kiev đã đưa ra một bản dự thảo thỏa thuận vào ngày 6-4, khác với những điều khoản mà nước này đưa ra tại cuộc hội đàm tại Istanbul vào hôm 29-3. Ông nói rằng việc Kiev không đồng ý thoả thuận thì chỉ kéo dài đàm phán, thậm chí là phá hỏng nó.

Ông Lavrov cho biết Ukraine đề nghị rằng “các vấn đề Crimea và Donbass nên được đưa ra trên bàn đàm phán giữa tổng thống Nga và Ukraine” và đây là một đề xuất mà Nga cho là “không thể chấp nhận được”.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak cho biết cuộc chiến giành quyền kiểm soát Donbass sẽ là điểm then chốt trong chiến sự Nga-Ukraine hiện nay và việc này sẽ quyết định những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngoài ra ông cho biết Ukraine đã chiến đấu kiên cường để giành lại các khu vực như Kiev, Kharkiv, Chernihiv, Sumy, Mykolaiv và nhiều thành phố khác, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin hôm 7-4.

Hôm 7-4, quan chức địa phương thị trấn Borodianka, Ukraine cáo buộc Nga là tội phạm chiến tranh khi không kích vào thị trấn này, khiến 26 người chết ở dưới 2 căn nhà đổ sập. Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết hiện thị trấn Borodianka đang được dọn dẹp và tình hình ở đây “đáng sợ hơn nhiều” so với ở Bucha. Ông nói rằng Nga là mối đe doạ đối với an ninh con người, đối với nhân quyền và tự do, CNN cho hay.

Phản ứng từ các bên khác

Hôm 7-4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền vì Nga vi phạm nhân quyền một cách toàn diện và có hệ thống ở Ukraine. Ngay sau đó, Moscow cũng tuyên bố rút khỏi cơ quan này, hãng tin Reuters cho hay.

Một người lính Ukraine đi giữa bãi chiến trường ở thành phố Bucha - nơi Ukraine cáo buộc Nga thảm sát dân thường. Ảnh: AP

Một người lính Ukraine đi giữa bãi chiến trường ở thành phố Bucha - nơi Ukraine cáo buộc Nga thảm sát dân thường. Ảnh: AP

Hôm 7-4, Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko nói rằng chính quyền Minsk muốn tham gia đàm phán hoà bình cùng Nga và Ukraine. Ông cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra ngay cạnh Belarus và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nước này, do đó Belarus phải có vai trò gì đó trong kết quả của hoà đàm chứ không thể có những thoả thuận riêng của Nga-Ukraine mà Belarus không biết, đài RT đưa tin.

Hôm 7-4, Nghị viện châu Âu đã thông qua lệnh trừng phạt thứ 5 với Nga, yêu cầu “cấm vận hoàn toàn và ngay lập tức việc nhập khẩu dầu, than, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt của Nga”. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng yêu cầu loại hoàn toàn Nga ra khỏi hệ thống thông tin thanh toán quốc tế SWIFT và các tổ chức quốc tế, bao gồm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Interpol, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), UNESCO. Ngoài ra, nghị quyết còn đề nghị Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gửi thêm vũ khí cho Ukraine, đài RT đưa tin.

Mặc dù nghị quyết này được đông đảo các nước EU ủng hộ nhưng vẫn có một vài ý kiến trái chiều. Đơn cử, đại diện Ireland - bà Clare Daly nói rằng các lệnh trừng phạt không làm Nga nao núng nhưng lại làm công dân EU đối mặt với lạm phát, giá năng lượng tăng và mức sống giảm sút.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu trong phiên họp ngày 7-4 khi Nga bị đình chỉ tư cách thành viên ở Hội đồng Nhân quyền. Ảnh: AP

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu trong phiên họp ngày 7-4 khi Nga bị đình chỉ tư cách thành viên ở Hội đồng Nhân quyền. Ảnh: AP

Trong cuộc họp của các bộ trưởng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 7-4, NATO nhất trí tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là về quân sự, theo Ukrinform. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg các nước NATO tin rằng tốt hơn hết là không nên cung cấp chính xác, cụ thể những loại vũ khí gửi cho Ukraine, đồng thời trấn an Ukraine rằng NATO sẽ cung cấp một loạt các hệ thống vũ khí khác nhau, các loại từ thời Liên Xô đến hiện đại nhất.

Ngoài ra, các nước NATO đang đẩy mạnh viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Tổ chức này cũng thảo luận về những gì khối có thể làm, bao gồm hỗ trợ an ninh mạng và cung cấp thiết bị để giúp Ukraine bảo vệ khỏi các mối đe dọa hóa học và sinh học.

Hôm 7-4, Mỹ công bố bản cập nhật số lượng vũ khí mà nước này đã gửi cho Ukraine. Theo đó, Mỹ đã gửi cho Ukraine 12.000 hệ thống chống thiết giáp, 1.400 hệ thống phòng thủ phòng không và hàng trăm máy bay không người lái. Tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên khoảng 1,7 tỉ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2, đài CNN đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm