Điểm tối trong bức tranh sáng xuất khẩu sầu riêng tỉ đô

(PLO)- Để xây dựng thành công thương hiệu, chất lượng của sầu riêng Việt, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý, kiểm soát vùng trồng vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Trong 11 tháng đầu năm nay, rau quả xuất khẩu đã mang về cho Việt Nam 5,4 tỉ USD. Trong đó, sầu riêng giữ vị trí dẫn đầu về trị giá xuất khẩu với gần 2,1 tỉ USD, tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều cơ hội thị trường rộng mở với sầu riêng, mặt hàng được mệnh danh là “vua trái cây” Việt Nam. Thế nhưng vẫn còn đó những điểm tối trong bức tranh sáng của sầu riêng xuất khẩu.

Con sâu làm rầu nồi canh

Xuất khẩu sầu riêng vẫn tồn tại một số hạn chế. Đơn cử như nhiều mã vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện sai yêu cầu của thị trường xuất khẩu hay thu hái sầu riêng còn xanh, không đạt chất lượng.

Có nhiều cơ hội thị trường với sầu riêng, mặt hàng được mệnh danh là “vua trái cây” Việt Nam. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Mới đây nhất, hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam xuất sang Nhật Bản bị buộc phải tiêu hủy do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định đã báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để khuyến cáo về tình trạng hàng hóa vi phạm quy định tại nước nhập khẩu.

Lô hàng sầu riêng xuất sang Nhật Bản khoảng 1,4 tấn, được nhập khẩu qua một công ty lớn tại Việt Nam từ ngày 5-10 với giá 132.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Diện tích sầu riêng tăng rất nhanh

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết diện tích sầu riêng nước ta thời gian gần đây tăng rất nhanh, hiện đạt trên 120.000 ha. Sầu riêng là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành hàng rau quả, đạt hơn 2 tỉ USD trong năm nay.

Nhưng để phát triển sầu riêng hiệu quả, bền vững cần quan tâm, đáp ứng các yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu, tạo sức cạnh tranh về thị phần.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Group kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù số lượng hàng bị buộc tiêu hủy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cả ngành hàng của nước ta như “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Tùng cho biết mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng khác nhau đối với từng mặt hàng nhập khẩu. Ví dụ với thị trường Mỹ, công ty xuất khẩu sầu riêng phải tuân thủ quy định không sử dụng bảy hoạt chất nước này cấm. Nếu phát hiện trái cây Việt Nam tồn dư một trong bảy hoạt chất này sẽ bị trả hàng, buộc tiêu hủy. Thị trường EU đưa ra danh mục 36 hoạt chất cấm đối với các loại trái cây. Thị trường Nhật Bản dựng hàng rào kỹ thuật khi đưa ra hàm lượng cực kỳ gắt gao với hóa chất tồn dư.

“Do đó, trước khi xuất khẩu bất kỳ loại trái cây nào bản thân nhà xuất khẩu phải tìm hiểu thật kỹ danh mục các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất cấm của từng thị trường để hàng hóa đảm bao đủ điều kiện trước khi xuất sang” - ông Tùng nói.

Nói về sầu riêng non, kém chất lượng, ông Đỗ Văn Chất, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, cho biết do có những thời điểm giá sầu riêng lên cao, một số người hám lợi muốn bán được nhiều sầu riêng giá cao nên họ gom hàng ồ ạt, bất chấp trái non, xanh mà cắt một lần dẫn tới tỉ lệ trái sầu riêng non rất lớn.

“Ý thức của nhà vườn rất quan trọng. Tại Thái Lan, nông dân được tập huấn, hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, khi đủ ngày thu hoạch phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho doanh nghiệp (DN). Nhờ vậy, sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất, tạo được uy tín với thị trường xuất khẩu” - ông Chất chia sẻ.

Vị đại diện công ty này cũng cho rằng các DN thu mua xuất khẩu sầu riêng cần phải kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng đầu vào. Bởi nếu các đơn vị này “cứng tay”, cương quyết thì thương lái không bao giờ dám mua hàng non, hàng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cạnh tranh bằng chất lượng, không chạy theo số lượng

Từ phía nhà quản lý, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết trong năm qua, bộ nhận được phản ánh về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động tiêu cực đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Theo ông Cường, Bộ NN&PTNT xác định sầu riêng phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 362 quy định về quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng.

Quy trình kỹ thuật này mang tính chất hướng dẫn, cảnh báo nên không có tính bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên đây là cơ sở để các địa phương, đơn vị phổ biến, khuyến cáo người trồng trong sản xuất, hướng dẫn các nhà vườn thực hiện để nâng cao năng suất, chất lượng quả sầu riêng, tránh hiện tượng thu hoạch non, chất lượng không đạt.

Trong khi ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trong xuất khẩu sầu riêng một phần là do DN thực hiện chuỗi liên kết không tốt, thiếu minh bạch, thậm chí làm ăn gian dối.

“Hiện nay hầu hết các vùng trồng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu đã được cấp mã số để truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, những loại hoạt chất nào được phép sử dụng thì trước thời điểm thu hoạch 30 ngày phải ngừng sử dụng để tránh tồn dư. Vì hàng xuất khẩu sẽ được cơ quan chức năng thị trường đó kiểm tra, khi hàng bị trả về, bị tiêu hủy thì thiệt hại cho DN rất lớn, thậm chí mất thị trường” - ông Tùng nhấn mạnh.

Do đó, các DN cần có ý thức, có sự liên kết chặt chẽ, trách nhiệm với chất lượng trái cây xuất khẩu. “Về phía cơ quan quản lý cũng cần có quy định xử phạt, chế tài nghiêm với những cơ sở thu mua đóng gói sầu riêng non, gian dối hoặc vi phạm quy định về sử dụng hóa chất” - ông Tùng kiến nghị.

Thêm trái cây Việt xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, tạo điều kiện cho dưa hấu Việt xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được dưa hấu chính ngạch sang Trung Quốc đòi hỏi từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói phải chuẩn hóa, tuân thủ theo quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Ví dụ vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phải đảm bảo giám sát vườn trồng, giám sát quy trình đóng gói.

Trước đó, Việt Nam ký nghị định thư về xuất khẩu măng cụt, chuối tươi, sầu riêng… chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới