NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TP. ĐÀ NẴNG:

“Điểm tựa” cho hàng ngàn người vay vốn mưu sinh

“Năm 2019, tôi vay ngân hàng 50 triệu đồng để mua tivi và đồ chơi cho các cháu. Mỗi tháng tiền gốc và lãi chừng hơn một triệu đồng. Vào đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, cơ sở của tôi phải đóng cửa, không có thu nhập nên được hỗ trợ chưa phải nộp”, chị Ngô Thị Ngọc Mai, chủ cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục Sao Mai (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), cho hay.

Chỗ dựa cho người lao động

Ngoài chị Ngọc Mai, thời gian qua, rất nhiều người lao động nghèo đã được vay vốn từ NHCSXH TP. Đà Nẵng để tạo việc làm, duy trì hoặc chuyển đổi ngành nghề mới.

Ngoài bán tạp hóa, chị Nguyễn Thị Thu trước đây thường tranh thủ thời gian để may sửa quần áo, kiếm thêm thu nhập. Chồng thất nghiệp, hai con đang tuổi ăn tuổi lớn nên kinh tế gia đình bấy giờ hết sức khó khăn.

Cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục Sao Mai của chị Ngô Thị Ngọc Mai tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Năm 2016, chị mạnh dạn vay NHCSXH 40 triệu đồng mua máy móc để chuyển đổi sang may gia công tại nhà. Đến nay, không chỉ cải thiện kinh tế gia đình, cơ sở của chị Thu còn tạo việc làm cho bảy người khác với mức lương dao động từ 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài số lao động làm cố định 8 tiếng/ngày, nhiều chị em trong xóm còn xin làm thêm buổi tối để có thêm thu nhập.

Từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng lập nghiệp, vợ chồng chị Trần Thị Đường ở trọ tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Trước đây, chị làm thợ may ở khu công nghiệp nhưng giờ chuyển sang làm cho chị Thu để có thời gian chăm lo gia đình. “Mỗi ngày mình làm 8 tiếng, lương tiền đủ để đi chợ thôi. Quan trọng là được làm gần nhà, có điều kiện chăm sóc mẹ già yếu và đưa đón con đi học”, chị Đường nói.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Thu cho biết sau dịch, nguồn hàng đã ổn định nên công việc cũng đều đặn hơn. Nguyện vọng của gia đình là tiếp tục được vay vốn để mở rộng cơ sở, mua thêm máy móc, giúp đỡ thêm nhiều người có công việc ổn định. “Tuy thu nhập không cao nhưng cũng tạm ổn, ít nhất cũng giúp cho chị em có đồng ra đồng vô, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa rồi”, chị Thu chia sẻ.

Trò chuyện với PV, nhiều người dân cho biết họ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH TP. Đà Nẵng. Việc thanh toán từng tháng thực hiện dễ dàng nhờ hỗ trợ từ tổ vay vốn tại các xã, phường.

Sau khi chuyển sang may gia công, chị Thu tạo thêm việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập khá. Ảnh: T.AN

Theo thống kê, năm 2020, quận Liên Chiểu có hơn 3.000 lượt khách hàng được vay vốn với tổng số tiền vay hơn 160 tỉ đồng.

Nhu cầu vay vốn sau dịch là rất lớn

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng, cho biết năm 2020, có hơn 18.000 lao động được đơn vị hỗ trợ vay vốn để duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới. Ngoài ra, hơn 3.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Theo ông Chung, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân khi nhiều cửa hàng phải đóng cửa dài ngày, không có thu nhập, nhiều người làm trong ngành du lịch thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” để cầm cự qua ngày.

“Ngân hàng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời cho bà con. Nếu họ khó khăn quá thì sẽ gia hạn nợ, trường hợp mất vốn thì có thể khoanh nợ, trong thời gian khoanh thì không thu lãi. Sau khi khôi phục sản xuất thì họ tiếp tục trả nợ theo quy định. Trường hợp có rủi ro dẫn tới mất khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ xem xét xóa nợ cho khách hàng”, ông Chung nói.

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Ông Chung cho biết nhu cầu vay vốn để duy trì, mở rộng việc làm hoặc chuyển đổi ngành nghề của người dân sau dịch rất lớn. Ngân hàng cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp để hỗ trợ kịp thời bà con. Nguồn vốn chưa nhiều nhưng tới đây đơn vị sẽ cố gắng hỗ trợ cho các lao động có nhu cầu vay vốn làm ăn, khôi phục sản xuất và chuyển đổi ngành nghề nhằm ổn định cuộc sống.

“Chúng tôi đã đề xuất với UBND TP ủy thác nguồn vốn sang, đồng thời đề xuất với trung ương tiếp tục đối ứng nguồn vốn. Nghĩa là, TP chuyển bao nhiêu thì trung ương sẽ hỗ trợ chuyển bấy nhiêu về cho ngân hàng. Như vậy thì nguồn vốn của ngân hàng sẽ tăng lên gấp đôi. Sau khi có vốn, ngân hàng phân bổ về cho các xã, phường để họ giải ngân ngay. Trong năm vừa qua, chi nhánh đã giải ngân cho trên 26.000 khách hàng với số tiền 1.218 tỉ đồng”, ông Chung nói thêm.

Tính đến 31-12-2020, tổng nguồn vốn ở NHCSXH TP. Đà Nẵng đạt 2.867 tỉ đồng, tăng 465 tỉ đồng so với năm 2019. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương đạt hơn 1.617 tỉ đồng, tăng 97 tỉ đồng so với năm 2019. Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt hơn 1.249 tỉ đồng, tăng 367 tỉ đồng so với năm 2019. Tổng dư nợ đạt 2.861 tỉ đồng, tăng 463 tỷ đồng so với năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm