Chiều 20-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn Hà Nội. HĐXX thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, ông Chung bị tuyên phạt tám năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tòa án xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 36 tỉ đồng, buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền này. Trong đó, ông Chung phải bồi thường 25 tỉ đồng (gia đình đã nộp 10 tỉ đồng).
Bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: UYÊN TRANG |
Tại phần thẩm vấn, ông Chung tiếp tục khẳng định việc mua chế phẩm Redoxy-3C là đúng quy định, đồng thời phủ nhận Công ty Arktic là “công ty gia đình”.
Đáng chú ý, cựu chủ tịch Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm xem xét về số tiền 10 tỉ đồng mà gia đình bị cáo đã nộp ở giai đoạn sơ thẩm. Theo đó, số tiền này do chị gái bị cáo nộp, ông cần trao đổi trực tiếp với chị mình để cân nhắc về việc có đồng ý nộp hay không.
Tuy nhiên, HĐXX cho hay chị gái ông Chung được triệu tập đến tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, nên đã công bố nội dung đơn của bà.
Theo đó, chị gái ông Chung cho biết, quá trình xét xử sơ thẩm, bà thấy em trai bị truy tố ở khung hình phạt cao, rất thương xót. Bà tìm hiểu và được biết nếu gia đình khắc phục hậu quả thì em trai mình có thể được giảm nhẹ mức án.
Vì vậy, bà đã vay mượn bạn bè, người quen để nộp 10 tỉ đồng khắc phục. Sau khi nộp, bà nhờ luật sư chuyển biên lai cho tòa để xem xét trước khi tuyên án. Việc này bà không bàn bạc với ông Chung.
Vẫn theo đơn, chị gái ông Chung nói rằng nếu ông Chung vẫn bị kết tội thì bà vẫn tự nguyện khắc phục số tiền nêu trên, không đề nghị trả lại.
Trình bày ý kiến ngay sau đó, cựu chủ tịch Hà Nội nói: “Nếu có quyết định đúng đắn của cơ quan pháp luật về việc giám định thiệt hại, hết bao nhiêu tiền, xin HĐXX cho tôi gặp vợ và gia đình, kể cả vay mượn tôi cũng khắc phục”.
“Nếu tòa vẫn tuyên án, tôi vẫn chấp hành, nhưng không bao giờ chấp nhận giá trị thiệt hại mà tòa sơ thẩm đã tuyên”- ông Chung tiếp tục nói và cho rằng cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại của vụ án hơn 36 tỉ đồng là không đúng.
Theo bị cáo, thiệt hại vụ án phải do cơ quan giám định xác định, tuy nhiên ở giai đoạn sơ thẩm tòa án đã không trưng cầu giám định mà lại “tự ý kết luận về con số thiệt hại”.
Bị cáo mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm theo thẩm quyền của mình cần ra quyết định trưng cầu giám định thiệt hại tài sản trong vụ án, “kể cả con số cao hơn cũng sẽ khắc phục ngay”.