Diễn biến bất ngờ vụ đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- 12 doanh nghiệp thép và tôn mạ cho rằng, Tập đoàn Hoà Phát “không đủ tư cách pháp lý” để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá thép cuộn cán nóng nhập từ Trung Quốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự việc hai doanh nghiệp (DN) thép là Tập đoàn Hoà Phát và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá (CBPG) thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu gây tranh cãi trong nội bộ ngành thép đã có thêm những diễn biến mới.

Ngày 10-4, 12 DN thép và tôn mạ (chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ Việt Nam) tiếp tục cùng ký vào văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để nêu quan điểm: Tập đoàn Hoà Phát “không đủ tư cách pháp lý” nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế CBPG thép HRC nhập từ Trung Quốc.

Hoà Phát nhập thép HRC từ Trung Quốc

Lý do được các DN nêu là trong giai đoạn từ 1-1-2019 đến 29-2-2024 bao gồm thời kỳ tính biên phá giá và thời kỳ xem xét thiệt hại, 5 công ty con của Tập đoàn Hoà Phát đều nhập khẩu các mác thép HRC từ Trung Quốc.

thép
Thép HRC của Hoà Phát tại Nhà máy thép Dung Quất (Quảng Ngãi) . Ảnh: HPG

Điều đáng nói là các mác thép HRC này hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Tập đoàn Hoà Phát, cũng như Tập đoàn Hoà Phát đang bán mác thép HRC này tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. 12 DN đưa ra tài liệu chứng minh là các số liệu hải quan và catalogue của Tập đoàn Hoà Phát.

5 công ty con của Tập đoàn Hoà Phát gồm Công ty TNHH Tôn Hoà Phát, Công ty TNHH Ống thép Hoà phát, Công ty TNHH MTV Ống thép Hoà Phát Bình Dương, Công ty TNHH Ống thép Hoà Phát Đà Nẵng, Công ty TNHH thép cán nguội Hoà Phát. Tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hoà Phát tại 5 công ty con này thời điểm ngày 31-12-2023 đều trên 99,9%.

“Tập đoàn Hoà Phát và/hoặc các công ty con của Tập đoàn Hoà Phát đang làm đồng thời 5 việc: nhập khẩu HRC từ Trung Quốc, nộp đơn đề nghị điều tra CBPG chính sản phẩm HRC mà các công ty con của Hoà Phát đang nhập từ Trung Quốc, sản xuất HRC mà các công ty con của Hoà Phát đang nhập từ Trung Quốc, bán HRC tại thị trường nội địa, bán HRC tại thị trường xuất khẩu...

Hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra CBPG HRC nhập từ Trung Quốc chỉ hướng đến mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam. Từ đó tăng vị thế thống lĩnh thị trường để tăng giá bán HRC nội địa, dẫn đến tối đa hoá lợi nhuận cho Tập đoàn Hoà Phát và/hoặc các công ty con của Tập đoàn Hoà Phát. Hành động này không phải để bảo vệ cho ngành sản xuất HRC nội địa, bất chấp các tác động nghiêm trọng đến các DN tôn mạ và ống thép Việt Nam nói riêng và các ngành nghề khác nói chung” - 12 DN nêu quan điểm.

Cùng với đó, 12 DN cũng dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 70; Khoản 1 Điều 69 Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14; Khoản 1 Điều 5 Nghị định 10/2018 về định nghĩa “ngành sản xuất trong nước” để khẳng định Tập đoàn Hoà Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hoà Phát không đủ tư cách pháp lý để đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Các DN cho rằng, trường hợp bên nguyên đơn là công ty mẹ, tức Tập đoàn Hoà Phát thì 5 công ty con mà Hoà Phát đang sở hữu trên 99,9% có nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn 1-1-2019 đến 29-2-2024 nên Tập đoàn Hoà Phát không đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Mục a, Khoản 1, Điều 5 của nghị định 10/2018.

Trường hợp bên nguyên đơn là một trong số các công ty con của Tập đoàn Hoà Phát thì cả 5 công ty con của Tập đoàn Hoà Phát có nhập khẩu HRC trong giai đoạn 1-1-2019 đến 29-2-2024. Bên nguyên đơn là công ty con của Tập đoàn Hoà Phát và 5 công ty con của Tập đoàn Hoà Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc đều bị kiểm soát bởi công ty mẹ là Tập đoàn Hoà Phát, nên không có công ty con nào của Tập đoàn Hoà Phát đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Mục b, Khoản 1, Điều 5 của nghị định 10/2018.

Chủ tịch Hòa Phát: Khởi xướng điều tra CBPG là thông thường

Trong khi đó, sáng 11-4, Tập đoàn Hoà Phát tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra CBPG thép HRC nhập khẩu, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện CBPG.

tran dinh long - hoa phat.jpg
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: NGỌC DIỆP

Ông Long cho biết, Hòa Phát đã gửi đơn và Bộ Công Thương đang thẩm định. Chủ tịch Hoà Phát cho rằng, nhìn về tổng thể, không nước nào chấp nhận việc thép nhập khẩu còn lớn hơn cả sản lượng thép trong nước trong khi đã đầu tư rất lớn. 30 năm trước Việt Nam chưa có tên trong bản đồ thép thì giờ đây Việt Nam có tên trên bản đồ thép chế tạo, thép cao cấp.

Cũng theo Chủ tịch Trần Đình Long, trong năm 2023, tổng sản xuất thép của Hòa Phát, Formosa là 6,7 triệu tấn thì tổng lượng nhập khẩu 9,6 triệu tấn. Lượng thép nhập khẩu lẽ ra chỉ nên bằng 10% so với sản xuất trong nước.

“Hoà phát và Formosa khởi kiện các công ty thép từ Trung Quốc và Ấn Độ bán phá giá ở Việt Nam về lượng và giá chứ không khởi kiện doanh nghiệp nào trong nước cả… Tất cả lý luận của đơn vị nhập khẩu dựa trên quan điểm của họ, tuy nhiên nếu họ đúng tại sao họ lại sợ điều tra? Chắc chắn rằng họ rất sợ, còn lại các quý cổ đông tự đánh giá” – ông Long nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm