Hòa Phát đang mạnh về thép, sao lại nhảy vào nuôi bò, heo...?

(PLO)- Lãnh đạo Hòa Phát nhận được nhiều chất vấn của cổ đông về việc đang có thế mạnh về thép lại chuyển sang làm nông nghiệp, chăn nuôi với đủ loại trứng, bò, heo...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại hội Cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) được tổ chức sáng nay, 11-4, với sự có mặt của hơn 350 cổ đông, nắm giữ hơn 65% cổ phần có quyền biểu quyết.

Là dịp hiếm hoi thực hiện quyền của mình, nhiều cổ đông đã đưa ra các câu hỏi, chất vấn, về định hướng phát triển của doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất thép này.

Hòa Phát giải thích tại sao đang mạnh về thép lại mở sang nông nghiệp, trứng, bò, heo
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết đến ngày chốt quyền dự Đại hội Cổ đông thường niên năm nay, Hòa Phát có gần 166.000 cổ đông, thuộc nhóm doanh nghiệp có nhiều cổ đông nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Ngọc Diệp

Lợi nhuận 2023 giảm nhưng vẫn đề ra chỉ tiêu cao cho 2024

Báo cáo của HĐQT cho thấy năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022.

Mức lợi nhuận này chỉ đạt 85% kế hoạch mà Đại hội Cổ đông 2023 đã đặt ra. Lý do được nêu ra là mảng thép đóng góp tới 30% doanh thu, nhưng lợi nhuận bị giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, Hòa Phát vẫn là thương hiệu thép mạnh, với giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 tỷ USD, từ hơn 2,2 triệu tấn hàng xuất tới 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cho biết ban lãnh đạo đánh giá dù lợi nhuận năm 2023 thấp, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn như vậy thì kết quả đó đã phản ánh nỗ lực rất lớn của toàn tập đoàn.

Từ kết quả 2023, HĐQT trình Đại hội Cổ đông mục tiêu kinh doanh 2024, với chỉ tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu hiện thực được mục tiêu trên, đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và lợi nhuận cao nhất từ 2022.

lanh-dao-hoa-phat-khang-dinh-se-chi-tap-trung-vao-san-xuat-cong-nghe-cao-phuc-tapB.jpg
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Hòa Phát

Đang mạnh về thép, sao lại làm nông?

Thương hiệu Hòa Phát được gắn liền với thép, vậy tại sao vừa qua lại đầu tư sang cả mảng nông nghiệp với đủ loại trứng, thịt bò, thịt heo? Trả lời chất vấn này của cổ đông, Tổng Giám đốc Nguyễn Viết Thắng cho hay trong tổng doanh thu năm qua, các lĩnh vực kinh doanh ngoài thép đóng góp 20.000 tỷ đồng, tương đương 10%.

Ban lãnh đạo đánh giá năm nay, ngành chăn nuôi heo có triển vọng phục hồi, và tin rằng lợi nhuận của mảng sẽ tăng trưởng tốt. Còn sản phẩm trứng thì còn đang khó khăn, do giá đang thấp nhất trong khoảng 6,7 năm trở lại đây.

Vẫn làm nông nghiệp, nhưng theo trả lời của ông Thắng, Hòa Phát vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho chiến lược thương hiệu nông nghiệp của mình.

Vẫn làm thép, nhưng tập trung vào sản phẩm công nghệ cao

Theo chia sẻ của Thắng, với mặt hàng thép xây dựng, Hòa Phát xác định Việt Nam là thị trường chính, và hiện đang chiếm 34,35% thị phần. Dù vậy vẫn giữ chân ở các thị trường bên ngoài, trong đó chủ yếu là các nước Đông Nam Á.

Ban lãnh đạo đánh giá thời gian này, đầu tư công đang được triển khai tốt. Các dự án hạ tầng như sân bay Long Thành, cầu giao thông lớn đang được triển khai dự kiến sẽ có nhu cầu lớn về thép xây dựng.

Ngoài ra, Hòa Phát cũng có kế hoạch khai phá thêm các thị trường mới. Vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư dự án nhà máy thép Dung Quất 2, dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào tháng 9-2026.

Làm rõ thêm mảng kinh doanh này, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long cho biết trong chiến lược dài hạn, tập đoàn này tăng cường sản xuất những sản phẩm thép công nghệ cao, cần đầu tư lớn và khó.

Hơn 7 tỷ USD đổ vào nhà máy thép Dung Quất 2 chính là cho những sản phẩm công nghệ cao ấy, và đến nay đã làm ra 11 triệu tấn hàng hóa. "Hòa Phát từ nay sẽ chỉ tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cần công nghệ cao. Sẽ đầu tư tốn kém, nhập máy móc từ các nước G7 để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho quân sự, ngành ô tô, máy móc chế tạo" - ông Long cho biết.

Trong các sản phẩm này, ông Long đề cập đến tôn silic, là sản phẩm thép kỹ thuật điện, thép điện từ - nguyên liệu đầu vào của sản xuất động cơ điện, máy biến thế, động cơ xe điện. Nhu cầu sản phẩm này đang lớn và dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh, trong khi Việt Nam chỉ có một đơn vị tham gia, chưa có quy trình công nghệ hoàn chỉnh, mà chỉ nhập khẩu, rồi gia công khâu cuối.

Tầm nhìn của Hòa Phát, theo ông Long phải tính tới đấu thầu tham gia dự án đường sắt cao tốc, khi Nhà nước quyết tâm đầu tư.

Cổ đông Hòa Phát nhận cổ phiếu thưởng 10%

HĐQT Hòa Phát năm nay đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành thêm 581 triệu cổ phiếu.

Nguồn vốn sẽ huy động từ 3.212 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Theo phương án này, cổ đông sẽ nhận cổ phiếu thưởng, với tỷ lệ 10%.

Việc tăng vốn điều lệ này sẽ triển khai trong quý II này, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm