Diễn biến gay cấn vụ án trả lời tin nhắn “OK em”

Chiều 25-2, HĐXX TAND huyện Cái Nước, Cà Mau đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án trả lời tin nhắn “OK em” mà báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Lý do: Tòa cho rằng có nhiều bản ghi lời khai được lập chưa đảm bảo quy trình tố tụng như luật sư đã phân tích trước đó.

Trước đó, tại phiên xử ngày 24-2, luật sư cho rằng gần như toàn bộ các bản hỏi cung bị cáo, người liên quan đều vi phạm tố tụng. Dạng vi phạm phổ biến là không giải thích quyền và nghĩa vụ cho người được hỏi cung, tẩy xóa, không có ký xác nhận của người khai, không ghi âm, ghi hình có âm thanh lúc lấy lời khai...

Bị cáo Phan Thanh Sang tự bào chữa tại tòa ngày 24-2. Ảnh: TRẦN VŨ

Tin nhắn trả lời “OK em” và tố giác

Theo cáo trạng và hồ sơ liên quan, tháng 9-2019, Phan Thanh Sang (ngụ huyện Cái Nước) phát hiện thửa đất giáp ranh có chủ mới là ông Nguyễn Hiền Lương. Do Sang có tranh chấp ranh đất với chủ cũ nên liên hệ với ông Lương để xác định lại ranh đất cho rạch ròi.

Ông Lương đồng tình nhưng hứa hẹn kéo dài. Đến ngày 11-10-2019, sau nhiều lần chờ đợi, Sang nhắn tin cho ông Lương ấn định ngày 30-10-2019 cùng tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh đất. Nếu ông Lương vẫn không phối hợp thì Sang sẽ tự làm và không chịu trách nhiệm về sau.

Sau tin nhắn này, ông Lương nhắn lại “OK em”. Tuy nhiên, ông Lương vẫn không đến nên hôm sau, 31-10-2019, Sang thuê người đến cắt gỡ một cầu thang, đục sáu lỗ trên các bức tường để căng dây, cắm mốc xác định lại ranh đất.

Ông Lương sau đó đi tố giác việc này, Công an huyện Cái Nước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Sang về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 178 BLHS. Cáo trạng xác định tài sản bị thiệt hại là hơn 8,3 triệu đồng.

Phía bị hại rút yêu cầu khởi tố

Tại tòa, nhiều tình tiết bất ngờ đã được HĐXX làm rõ. Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 9-2019, Sang và ông Lương mời chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đến để đo đạc diện tích nhằm xác định lại ranh đất. Khi đó, do vướng cầu thang bằng sắt và các bức tường nên cơ quan đo đạc không thực hiện thành công hợp đồng đo đạc, cắm mốc cho hai bên.

Lúc này, ông Lương và Sang thống nhất sẽ tổ chức cắt cầu thang, phá dỡ các bức tường để đo đạc chính xác, cắm mốc rạch ròi cho hai bên.

Từ ngày đó, Sang thường xuyên liên hệ với ông Lương qua điện thoại và tin nhắn SMS hối thúc sớm thực hiện. Tuy nhiên, do ông Lương bận nên vào đầu tháng 10-2019, Sang và ông Lương có nhắn tin qua lại thể hiện sự bất hòa nhỏ vì Sang muốn gặp mà ông Lương thì bận. Ngày 11-10-2019, Sang nhắn nhiều tin SMS cho ông Lương bảo nếu đến ngày 30-10-2019, ông Lương vẫn không đến để cùng làm thì Sang tự làm, không chịu hậu quả về sau.

Sau các tin nhắn này, ông Lương nhắn lại “OK em”. Ngày 31-10-2019, Sang thuê người cắt gỡ cầu thang, đục sáu lỗ tường để căng dây đo đất tự xác định lại ranh đất. Trước khi làm, Sang có báo cho công an xã biết và được trả lời nếu thỏa thuận rồi thì được.

Người đại diện cho ông Lương là ông Nguyễn Văn Hiển xác định trước tòa rằng việc thỏa thuận cắt cầu thang và phá các bức tường là có diễn ra. “Nhắn “OK em” tất nhiên là đồng ý, đồng ý cho Sang tự làm” - ông Hiển xác định.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng lý giải rõ rằng “Cái hiểu nhầm khi dùng từ “OK em” là phía ông Lương hiểu nhầm, chứ không phải Sang”.

Đặc biệt, ông Hiển xác định với tòa rằng việc làm của bị cáo Sang là không có ý thức hủy hoại tài sản, mà chỉ làm theo tính toán, thống nhất ban đầu với ông Lương. Từ đó, ông Hiển xin rút yêu cầu khởi tố hình sự đối với bị cáo Sang.

Tòa hỏi lại là việc rút yêu cầu khởi tố có sự thống nhất của ông Lương hay không. Ông Hiển khẳng định có.

VKS vẫn giữ nguyên quan điểm

Trong tranh luận, đại diện VKSND huyện Cái Nước cho rằng toàn bộ hồ sơ tố tụng hợp lý, chứng cứ đầy đủ, truy tố Sang là không oan. Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị tuyên bị cáo Sang phạm tội hủy hoại tài sản, mức án 6-9 tháng tù.

Khi luật sư và bị cáo tranh luận lại VKS, yêu cầu phải tranh luận tới cùng và đầy đủ, có cơ sở pháp lý rõ ràng, chủ tọa và hội thẩm đã phải lý giải. Một hội thẩm giải thích: “VKS đã tranh luận mọi thủ tục tố tụng, hồ sơ chứng cứ làm đúng quy định pháp luật, giữ quan điểm bị cáo có tội. Đó là tranh luận đầy đủ, tới cùng rồi còn gì nữa”.

Chủ tọa giải thích thêm cho bị cáo khi bị cáo thắc mắc VKS không dựa trên căn cứ pháp luật: “VKS đã tranh luận thông thường người mua đất được hưởng toàn bộ tài sản trên đất. Đó là dựa vào căn cứ tập tục địa phương. Còn bị cáo căn cứ vào pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Hai quan điểm tranh luận dựa trên hai nền tảng khác nhau nên HĐXX sẽ xem xét”.

Trước đó, bị cáo Sang tự tranh luận với VKS rằng cầu thang sắt và các bức tường mình đục lỗ không thuộc sở hữu của ông Lương, thậm chí nó không nằm trên đất ông Lương mới mua mà nằm trên đất của mình. VKS cho rằng thông thường người mua đất sẽ được hưởng tài sản gắn liền với đất. Ông Sang mới mua đất có căn nhà trên đất. Phần Sang đục lỗ các bức tường dính liền phía sau căn nhà mà ông Lương đã mua đất.

Chủ tọa thông báo do có nhiều tình tiết mới nên việc tuyên án kéo dài đến 14 giờ ngày 25-2. Tuy nhiên, đến hôm sau, tòa tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung với lý do đã nêu ở trên.

Bị hại rút yêu cầu khởi tố, vụ án vẫn xét xử

Trong vụ này, việc bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (quy định tại Điều 178 BLHS) không thuộc các nhóm tội chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Do đó, giả sử hành vi của bị cáo đã cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng có trách nhiệm khởi tố và xét xử người phạm tội theo đúng quy định pháp luật vì hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Tuy nhiên, trường hợp bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố có thể được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét như một căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

ThS TRẦN THANH THẢOgiảng viên Khoa luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

TRÚC PHƯƠNG ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm