Diễn biến mới về xung đột giữa 4 nước Trung Á

(PLO)- Kyrgyzstan và Tajikistan cùng kêu gọi đàm phán hòa bình nhưng vẫn cáo buộc nhau gây xung đột; Nga bình luận về việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Armenia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, xung đột biên giới giữa 4 nước thuộc khu vực Trung Á đã bùng nổ, cụ thể là giữa Kyrgyzstan với Tajikistan, và giữa Armenia với Azerbaijan.

Những cuộc đụng độ này khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm binh sĩ các bên thương vong. Các bên tham chiến và các cường quốc đã kêu gọi đàm phán hòa bình nhưng dường như căng thẳng vẫn chưa dịu hẳn.

Kyrgyzstan và Tajikistan cùng kêu gọi đàm phán

Ngày 19-9, Kyrgyzstan và Tajikistan cùng kêu gọi giải quyết xung đột giữa biên giới 2 nước bằng biện pháp hòa bình, hãng tin Reuters cho hay.

Từ ngày 14 đến ngày 16-9, ít nhất 100 người đã thiệt mạng tại khu vực tranh chấp biên giới giữa 2 nước ở tỉnh Batken (Kyrgyzstan). Hai bên cáo buộc nhau sử dụng xe tăng, súng cối, pháo phản lực và máy bay không người lái tấn công tiền đồn và các khu định cư gần biên giới.

Về phía Kyrgyzstan, Tổng thống Sadyr Japarov nói rằng người dân nên tin tưởng vào lực lượng quân đội và các đối tác chiến lược, đồng thời cho biết không cần bổ sung lực lượng tình nguyện ở biên giới với Tajikistan sau các cuộc đụng độ đẫm máu vào tuần trước.

Đụng độ biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan ở vùng Batken (Kyrgyzstan) ngày 16-9. Ảnh: REUTERS.

Đụng độ biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan ở vùng Batken (Kyrgyzstan) ngày 16-9. Ảnh: REUTERS.

Ông nói: "Chúng tôi tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan bằng các biện pháp hòa bình. Tôi kêu gọi những người đàn ông và thanh niên sẵn sàng tình nguyện đến Batken chiến đấu phải bình tĩnh... Hiện chúng ta có những chiến binh dũng cảm và đủ lực lượng để đẩy lùi những ai xâm phạm biên giới Kyrgyzstan”.

Ông Japarov cũng kêu gọi người dân không tin “những kẻ khiêu khích, những kẻ phỉ báng các đối tác chiến lược, các quốc gia thân thiện và các dân tộc có chung lập trường với Kyrgyzstan".

Các nhà chức trách Kyrgyzstan cũng cho biết đã đàm phán với Tajikistan nhằm trả tự do cho 4 lính biên phòng đã bị lính Tajikistan bắt giữ trong cuộc xung đột.

Về phía Tajikistan, Bộ Ngoại giao nước này cho rằng chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột nằm ở các cuộc đàm phán, đồng thời nhắc lại quan điểm rằng Kyrgyzstan đã kích động xung đột.

Thứ trưởng Ngoại giao Sodik Emomi cho biết máy bay không người lái (UAV) của Kyrgyzstan bị phát hiện bay vào lãnh thổ Tajikistan trong đêm và những người thuộc nhóm dân tộc Tajik bị giam giữ ở Kyrgyzstan sau đụng độ không phải là công dân Tajikistan.

Ông Emomi cho biết đã có hơn 230 sự cố biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan trong 20 năm qua và tâm điểm của cuộc xung đột lần này là một khu vực rộng 2.000 km vuông.

Kyrgyzstan và Tajikistan, 2 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, hiện là đồng minh với Nga và Nga có căn cứ quân sự ở các nước này. Moscow đã kêu gọi các bên giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời lãnh đạo tỉnh Sogdiyskaya (Tajikistan) đưa tin Kyrgyzstan và Tajikistan đã đồng ý rút thêm khí tài và lực lượng quân sự khỏi biên giới và 2 bên cũng đã đồng ý tiếp tục giải quyết xung đột.

Phản ứng của Nga, Mỹ về xung đột Azerbaijan và Armenia

Ngày 19-9, bình luận về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Armenia, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng hoan nghênh bất kỳ nỗ lực thiết thực nào nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Azerbaijan và Armenia, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ông Peskov nói: "Nga hoan nghênh bất cứ điều gì, không phải là lời nói mà là hành động không khoa trương, không mang tính dân túy mà phải thực tế, âm thầm và khẩn trương, có thể góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ và ổn định tình hình biên giới”.

Ông Peskov băn khoăn là liệu những hành động và tuyên bố “ồn ào” của bà Pelosi có thực sự góp phần vào quá trình bình thường hóa tình hình hay không và nói rằng thời gian sẽ chứng minh tất cả.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi nhận hoa từ Thủ tướng Armenia - ông Nikol Pashinyan trong cuộc họp ở thủ đô Yerevan (Armenia) ngày 18-9. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi nhận hoa từ Thủ tướng Armenia - ông Nikol Pashinyan trong cuộc họp ở thủ đô Yerevan (Armenia) ngày 18-9. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào ngày 18-9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới Armenia và đã lên án những cuộc tấn công bất hợp pháp của Azerbaijan vào Armenia, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu tại thủ đô Yerevan, bà Pelosi khẳng định cuộc “xung đột do người Azerbaijan phát động và cần phải công nhận điều này”. Bà cho rằng chuyến đi này có ý nghĩa sau "các cuộc tấn công bất hợp pháp và đẫm máu của Azerbaijan trên lãnh thổ Armenia" khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Đáp lại, Azerbaijan nói rằng bà Pelosi đang gây nguy hiểm cho hòa bình ở khu vực Caucasus, trong đó có 2 nước Azerbaijan và Armenia.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho rằng các cáo buộc của bà Pelosi là vô căn cứ, không công bằng và không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định lời của bà Pelosi là sự tuyên truyền của Armenia.

Bộ này cho biết: "Đây (phát ngôn của bà Pelosi) là một đòn mạnh lên những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan".

Ngoại trưởng Antony Blinken đã bày tỏ lo ngại về cuộc giao tranh và kêu gọi bình tĩnh nhưng không đổ lỗi.

Trước đó, cũng trong ngày 18-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington kêu gọi Tổng thống Azerbaijan - ông Ilham Aliyev kêu gọi "tuân thủ lệnh ngừng bắn, giải tán các lực lượng quân sự và nỗ lực giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại giữa Armenia và Azerbaijan thông qua các cuộc đàm phán hòa bình".

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hôm 13-9 đã tổ chức họp bất thường trực tuyến với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin và đã nhất trí cử một nhóm công tác đến Armenia. Nhiệm vụ của nhóm công tác là đánh giá tình hình căng thẳng ở biên giới và báo cáo cho tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm