Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi đã đến Armenia ngày 17-9, vài ngày sau khi cuộc đụng độ biên giới làm bùng nổ trở lại căng thẳng giữa Armenia với Azerbaijan, theo tờ South China Morning Post.
Cuộc đụng độ hồi ngày 13-9 được xem là xung đột tồi tệ nhất Yerevan và Baku kể từ năm 2020, khiến hơn 250 người của cả hai bên thiệt mạng.
Ngày 15-9, xung đột giữa hai nước láng giềng kết thúc nhờ các nỗ lực hòa giải quốc tế.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi. Ảnh: AP |
Bà Pelosi nói rằng chuyến thăm của bà “là một biểu tượng mạnh mẽ cho cam kết vững chắc của Mỹ đối với một Armenia hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, cũng như một khu vực Caucasus ổn định và an toàn”.
Bà là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Armenia kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1991.
Chủ tịch Quốc hội Armenia – ông Alen Simonyan nói với truyền thông rằng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi “sẽ đóng một vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh của Armenia”.
Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan đã kéo dài hàng thập niên, xoay quay khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, đã dẫn đến 2 cuộc xung đột vào năm 1990 và 2020. Yerevan công nhận sự độc lập của Nagorno-Karabakh, lãnh thổ được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng có người Armenia sinh sống.
Cùng với Pháp và Nga, Mỹ là đồng chủ trì Nhóm hòa giải Minsk. Nhóm này đã dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài hàng thập kỷ giữa Baku và Yerevan dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Bà Pelosi nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chuyển tải sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của Mỹ, với tư cách là Chủ tịch OSCE Minsk và là người bạn lâu năm của Armenia, thông qua một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh”.
Chuyến thăm của bà Pelosi sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng người Mỹ gốc Armenia.
Cộng đồng người Armenia ở Mỹ đã kêu gọi Mỹ hỗ trợ Yerevan như cách mà Washington đã hỗ trợ Ukraine.
Năm 2020, giữa hai nước đã nổ ra cuộc đụng độ kéo dài 44 ngày vốn cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 binh sĩ của cả hai bên. Giao tranh kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Theo thỏa thuận, Armenia nhượng lại nhiều vùng lãnh thổ mà nước này đã kiểm soát trong nhiều thập niên, và Moscow đã triển khai khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga để giám sát thỏa thuận ngừng bắn mong manh.
Vào tháng 8, Baku yêu cầu phi quân sự hóa khu vực Nagorno-Karabakh, trong khi Yerevan cáo buộc Baku đã cố gắng cắt đứt con đường nối khu vực này với Armenia.