Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023

(PLO)- Tháo gỡ các nút thắt bằng những việc cụ thể giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối để thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-6, UBND tỉnh Long An phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”.

Tham dự diễn đàn có Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: HUỲNH DU

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: HUỲNH DU

Khai mạc diễn đàn, Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nêu: Chính phủ và các địa phương cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp nông nghiệp, xây dựng các mô hình, doanh nghiệp thành công trong đầu tư vào nông nghiệp để nhân rộng, khích lệ, tạo niềm tin cho những nhà đầu tư tiềm năng.

Dù đầu tư vào ngành nông nghiệp là ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận thì mỏng, bấp bênh, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp chính là phát huy thế mạnh của nước ta, cơ hội thành công cũng rất lớn và đặc biệt là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.

"Đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn là cách để doanh nhân góp phần thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng là sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ông nói.

Năm 2023, ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới bất định tác động đến thương mại và gây khó khăn cho thị trường về đầu ra, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chủ động nắm bắt biến động thị trường, có giải pháp linh hoạt ứng phó để đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HUỲNH DU

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HUỲNH DU

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao để phát huy lợi thế địa phương và bảo đảm nông dân được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

"Nên tìm thêm nhiều hướng đi để giúp cho nông nghiệp có những đột phá, Tất cả vì mục tiêu chung tay tạo hệ sinh thái cộng đồng để tạo được giá trị bền vững”, Bộ trưởng nói.

Tại diễn đàn, một số ý kiến cho rằng nhiều địa phương ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhưng theo cơ chế sử dụng đất hiện nay, các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người dân trong khi giá đất nông nghiệp trên địa bàn cao hơn so với bình quân chung cả nước nên gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HUỲNH DU

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HUỲNH DU

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: “Diễn đàn gợi mở những nghiên cứu và đề xuất giải pháp, các cơ chế chính sách đột phá để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiếp cận thành công các thị trường tiềm năng, tạo sự bứt phá cho phát triển nông nghiệp bền vững”.

“Đây là dịp để tăng cường liên kết các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tái tạo, nông nghiệp xanh bền vững và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch và du lịch nông nghiệp” - ông Út nói thêm.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: HD

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: HD

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, để tiếp tục triển khai hiệu quả các kết nối giao thương trong thời gian tới, TP tiếp tục phát huy vai trò hợp tác, phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cả trong môi trường trực tiếp và trực tuyến.

Cùng với đó, địa phương cần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, định hướng xuất khẩu hàng hóa đặc trưng. Đặc biệt tập trung vào các sản phẩm có tính nội địa hóa và tính đặc trưng địa phương, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam ưu tiên cho người Việt Nam".

Thông qua diễn đàn, chính quyền các cấp sẽ nắm bắt những khó khăn của những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp là “hạt nhân” mở đường, tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển của ngành, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh doanh nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm