Điện Kremlin hôm 30-3 đã dập tắt hy vọng về một bước đột phá sau cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày trước đó, hãng AFP đưa tin.
“Chúng tôi không thể nói rằng có bất kỳ điều gì quá hứa hẹn hoặc bất kỳ đột phá nào” - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
"Còn rất nhiều việc phải làm" - ông Peskov nhấn mạnh.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, chính quyền Moscow coi việc Kiev bắt đầu phác thảo các yêu cầu của mình bằng văn bản là điều "tích cực".
“Chúng tôi cẩn thận tránh đưa ra các tuyên bố về các vấn đề được thảo luận tại cuộc hội đàm vì chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán nên diễn ra trong sự im lặng và bảo mật” - ông Peskov nói thêm.
Một tòa nhà dân cư bị hư hại nặng sau các cuộc không kích và pháo kích của Nga ở Ukraine. Ảnh: AFP
Trong khi đó, theo đài RT, người đứng đầu phái đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky, đã đưa ra chi tiết về bản phác thảo các yêu cầu mà Ukraine trình bày để hướng tới một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
“Hôm qua, lần đầu tiên Ukraine đã tuyên bố, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng văn bản, rằng họ sẵn sàng thực hiện một số điều kiện quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ bình thường, và hy vọng là quan hệ láng giềng tốt đẹp với Nga trong tương lai” - ông Medinsky nói.
Theo đó, Ukraine đã đưa ra những điều kiện mà họ sẵn sàng tuân theo, bao gồm việc từ chối gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), từ bỏ vũ khí hạt nhân, nghĩa vụ chỉ tiến hành các cuộc tập trận khi có sự đồng ý của các quốc gia bảo lãnh, bao gồm cả Nga.
“Nếu tất cả các nghĩa vụ này được thực hiện, mối đe dọa tạo ra từ NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ bị loại bỏ. Đó là lý do tại sao điều quan trọng nhất là các bên phải cùng nhau đồng ý và đạt được thỏa thuận này” - ông Medinsky cho hay.
Trưởng phái đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky. Ảnh: RT
Sau khi thông tin về những điều khoản mà Ukraine đồng ý sẽ chấp nhận để tiến tới thỏa thuận hòa bình với Nga được đưa ra, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã khẳng định rằng “nếu Kiev cần có sự đảm bảo, Đức sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ”.
“Ukraine có thể dựa vào sự hỗ trợ của Đức. Berlin đoàn kết hoàn toàn 100% với Ukraine” - bà Baerbock tuyên bố.
Trong khi đó, Mỹ cho biết đang “thảo luận liên tục với Ukraine” về những cách mà nước này có thể duy trì “chủ quyền và an toàn”, song nói không “có gì cụ thể” mà họ “có thể chia sẻ ngay lúc này”.
Trước đó, sau cuộc hội đàm tại Istanbul hôm 29-3, các nhà đàm phán chính của Moscow đã mô tả đây là cuộc đàm phán "có ý nghĩa", trong khi Moscow thông báo sẽ giảm đáng kể hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và TP Chernihiv ở Ukraine.
Tuy nhiên, vào hôm 30-3, các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã tiếp tục bắn phá TP Chernihiv bất chấp tuyên bố trước đó của Nga.