Điểm tin 30-3: Các nước NATO mâu thuẫn chuyện viện trợ quân sự cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình giao tranh

. Hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu phái bộ nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Ukraine hôm 29-3 cho biết hàng ngàn ngườu có thể đã thiệt mạng vì các cuộc không kích và pháo kích của Nga tại TP Mariupol.

“Chúng tôi nghĩ rằng có thể có hàng nghìn người chết, thương vong dân sự ở Mariupol” - bà Matilda Bogner, người đứng đầu phái bộ nhân quyền LHQ tại Ukraine, nói. 

Bà cho hay phái bộ không có ước tính chính xác nhưng đang làm việc hết sức để thu thập thêm thông tin.

Một người lính Ukraine đứng gác tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô thủ đô Kiev vào ngày 28-3. Ảnh: AFP

Trước đó, ông Vadym Boichenko, Thị trưởng Mariupol, tiết lộ có gần 5.000 người, trong đó có khoảng 210 trẻ em, đã thiệt mạng ở thành phố này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự một tháng trước.

Văn phòng Thị trưởng Boichenko cho hay 90% các tòa nhà ở Mariupol đã bị hư hại và 40% bị phá hủy hoàn toàn, bao gồm bệnh viện, trường học, nhà trẻ và nhà máy.

. Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform ngày 29-3 dẫn thông tin từ văn phòng Tổng công tố nước này cho biết có tổng cộng 145 trẻ em đã thiệt mạng và 222 đứa trẻ khác bị thương ở Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở nước này.

Theo đó, số trẻ em bị ảnh hưởng từ cuộc giao tranh nhiều nhất được ghi nhận ở thủ đô Kiev (69 đứa trẻ), Tp Kharkiv (49 đứa trẻ), vùng Donetsk (54 đứa trẻ), TP Chernihiv (39 đứa trẻ), Tp Mykolaiv (30 đứa trẻ), vùng Luhansk (28 đứa trẻ), TP Zaporizhia (22 đứa trẻ), Tp Kherson (25 đứa trẻ), TP Sumy (16 đứa trẻ), và TP Zhytomyr (15 đứa trẻ).

Bên cạnh đó, các cuộc ném bom và pháo kích của Nga đã làm hư hại 790 cơ sở giáo dục, 55 trong số đó đã bị phá hủy hoàn toàn. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP

. Cũng theo Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay tính từ ngày 24-2 đến 30-3, lực lượng Nga đã mất khoảng 17.200 quân.

Quân đội Nga cũng mất 605 xe tăng, 1.723 xe bọc thép, 305 hệ thống pháo, 96 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLR), 54 hệ thống phòng không, 131 máy bay, 131 trực thăng, 1.184 phương tiện quân sự, 7 tàu, 75 xe bồn chở nhiên liệu, 81 máy bay không người lái, và 4 hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn ( SRBM ) di động.

Hiện phía Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào trước con số tổng hợp của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: REUTERS

Động thái từ các bên

. Sau cuộc đàm phán “đầy lạc quan” với Ukraine hôm 29-3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), các nhà đàm phán của phái đoàn Nga khẳng định Moscow sẽ "giảm triệt để" hoạt động quân sự của mình ở miền bắc Ukraine, bao gồm cả khu vực gần thủ đô KIev, hãng AFP đưa tin

"Tại cuộc đàm phán, sau khi 2 bên đã dần đi đến thống nhất đối với những thỏa thuận về quy chế trung lập cũng như việc phi hạt nhân hóa ở Ukraine, chúng tôi đã đưa ra một quyết định nhằm giảm triệt để các hoạt động quân sự ở Kiev và Chernihiv” - Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói.

Tuy nhiên, ông Fomin không đề cập các khu vực khác đã từng chứng kiến nhiều trận giao tranh dữ dội, bao gồm khu vực trong và ngoài TP Mariupol ở phía đông nam, TP Sumy và Kharkiv ở phía đông và hai TP Kherson và Mykolaiv ở phía nam Ukraine.

Một binh sĩ Mỹ và thiết bị quân sự được nhìn thấy tại Sân bay Rzeszow-Jasionka, Ba Lan, vào ngày 25-3. Ảnh: REUTERS

. Cũng theo AFP, vào ngày 30-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bay đến Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Moscow, là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức Nga tới nước này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng trước.

Trong một bài đăng trên tài khoản Weibo của mình, Đại sứ quán Nga tại Bắc Kinh xác nhận ông Lavrov đã hạ cánh xuống TP Hoàng Sơn, miền đông Trung Quốc, kèm theo những bức ảnh cho thấy ông Lavrov xuống máy bay với sự chào đón của các quan chức y tế trong bộ đồ bảo hộ phòng chống COVID-19.

Ngoại trưởng Lavrov sẽ tham dự một loạt cuộc họp do Bắc Kinh chủ trì để thảo luận về phương hướng giúp đỡ Afghanistan. Các nhà ngoại giao từ Mỹ và các nước láng giềng của Afghanistan cũng dự kiến sẽ tham dự.

Binh sĩ Nga đứng gác gần một tòa nhà chung cư bị phá hủy ở TP Mariupol, Ukraine, ngày 28-3. Ảnh: REUTERS

. Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tín hiệu từ các cuộc đàm phán giữa nước này với Nga có thể được gọi là tích cực, song chúng không thể át đi được tiếng nổ từ các đợt pháo kích và không kích của Nga.

Trong bài phát biểu vào đêm 29-3, ông Zelensky đồng thời bày tỏ sự thận trọng trước lời hứa của Nga cho rằng họ sẽ “cắt giảm triệt để” hoạt động quân sự ở một số khu vực và cho biết Ukraine sẽ không nới lỏng nỗ lực phòng thủ của mình.

"Tình hình vẫn chưa trở nên dễ dàng hơn, quân đội Nga vẫn có thể tiếp tục các cuộc tấn công chống lại chúng ta. Do đó, chúng ta không được giảm nỗ lực phòng thủ” - ông Zelensky nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine nhắc lại rằng để bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có hiệu quả, quân đội Nga sẽ phải rời đi và Kiev sẽ không thỏa hiệp về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga và bác bỏ ý tưởng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện tại cho đến khi cuộc giao tranh kết thúc và công lý được khôi phục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: RT

. Cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ ở Ba Lan chỉ đang "thiết lập mối quan hệ" với lực lượng Ukraine khi họ giao vũ khí cho Kiev, chứ không hề “hỗ trợ huấn luyện" cho quân đội nước này.

"Đó không phải là huấn luyện theo nghĩa đen mà nhiều người đang nghĩ. Chúng tôi chỉ đang tương tác và thiết lập mối quan hệ với Ukraine mà thôi" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói.

Ông Kirby không cung cấp chi tiết về chính xác những tương tác này là gì hoặc kéo dài bao lâu. Chính quyền Mỹ đã cố gắng hạn chế bất kỳ sự tham gia quân sự trực tiếp nào vào cuộc xung đột Nga-Ukraine khoảng thời gian vừa qua.

. Theo đài RT, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 29-3 nhấn mạnh sẽ cần nhiều hơn một lệnh ngừng bắn ở Ukraine để London có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow phải thay đổi hoàn toàn chính sách của mình đối với Kiev.

Thủ tướng Anh cho rằng cần “phải tăng cường áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua các biện pháp trừng phạt kinh và cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine để đảm bảo Nga thay đổi hoàn toàn”.

Đại sứ Vassily Nebenzia, Trưởng phái đoàn thường trực của Nga tại LHQ. Ảnh: TASS

. Cùng ngày, hãng thông tấn TASS dẫn lời Đại sứ Vassily Nebenzia, Trưởng phái đoàn thường trực của Nga tại LHQ cho biết các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Nga của phương Tây đang dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở quy mô rất lớn.

"Nguyên nhân thực tế đe dọa thị trường lương thực toàn cầu với sự hỗn loạn nghiêm trọng không phải do hành động của Nga mà là do các biện pháp trừng phạt không kiềm chế mà phương Tây tung ra nhằm vào Nga mà không hề nghĩ đến người dân của các quốc gia phía nam trái đất hay người dân của chính họ” - ông Nebenzia nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Nga, nỗ lực cô lập Moscow về kinh tế, tài chính và hậu cần khỏi các kênh hợp tác kéo dài nhiều năm sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế ở quy mô vô cùng lớn.

“Rõ ràng chỉ có cách loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương mới có thể xoa dịu căng thẳng trong vận tải và hậu cần cũng như quan hệ tài chính, để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn và ổn định thị trường nông sản và thực phẩm quốc tế" - ông Nebenzia nhận định.

Một người đàn ông cầm cờ NATO tại cuộc biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Warsaw, Ba Lan, ngày 26-3. Ảnh: RT

. Hãng tin Bloomberg ngày 28-3 cho biết các quốc gia thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang mâu thuẫn với nhau về mức độ viện trợ quân sự mà khối do Mỹ đứng đầu sẽ cung cấp cho Ukraine và triển vọng của các cuộc đàm phán với Nga.

Theo đó, một số quốc gia thành viên đã có quan điểm "cứng rắn" về việc muốn tránh một cuộc chiến trực tiếp với Nga, cảnh báo rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu họ vũ trang cho Ukraine quá nhiều.

Một quan chức Pháp cho rằng việc gửi xe tăng và máy bay cho Ukraine sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”, một số quốc gia Tây Âu cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh cần hạn chế các chuyến hàng vũ khí đến Kiev "do lo ngại căng thẳng có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát”.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo Anh, các nước Baltic và hầu hết các nước Đông Âu đều kêu gọi các đồng minh gửi thêm vũ khí đến Ukraine, bao gồm cả “hệ thống phòng không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm