Nhiều nước EU kêu gọi phân bổ đồng đều người tị nạn Ukraine sang các thành viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc thông báo hơn 10 triệu người Ukraine đã buộc phải sơ tán khỏi vùng chiến sự và khoảng 3,8 triệu người di tản ra nước ngoài kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này hôm 24-2. 

Dòng người Ukraine đi sơ tán. Ảnh: Thomas Peter/REUTERS

Đa số người Ukraine di tản ra nước ngoài chọn đến Ba Lan (khoảng 2,3 triệu người). Bên cạnh đó, Romania, Slovakia và Hungary cũng ghi nhận số lượng lớn người tị nạn Ukraine. Đa phần trong dòng người tị nạn là trẻ em và phụ nữ, hãng tin Reuters đưa tin ngày 28-3.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là nghiêm trọng nhất châu Âu từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các quốc gia châu Âu đã đưa ra nhiều giải pháp, thực hiện nhiều nỗ lực để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine.

Tại cuộc họp các bộ trưởng nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 28-3, Đức đã kêu gọi sự phân bổ đồng đều số lượng người tị nạn Ukraine tại EU.

“Chúng ta cần tích cực phân bổ dòng người tị nạn trong EU và thể hiện sự đoàn kết bằng cách đón nhận người tị nạn” - Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser phát biểu.

Theo số liệu dựa trên quy mô dân số và số lượng người tị nạn của cơ quan điều hành của EU, các quốc gia như Ba Lan, Áo và Cộng hòa Czech đang chịu áp lực rất lớn. 

Trong khi đó, phía Đức - quốc gia lớn nhất EU với dân số 38 triệu người, cho biết nước này đã đăng ký hơn 270.000 người tị nạn Ukraine, so với Pháp - quốc gia lớn thứ hai trong khối, chỉ mới tiếp nhận 30.000 người Ukraine.

Tây Ban Nha đón khoảng 25.000 người tị nạn Ukraine, trong khi một số nước nhỏ hơn như Áo và Lithuania đã tiếp nhận 35.000 người. Cộng hòa Czech cũng là điểm đến của khoảng 300.000 người Ukraine, chiếm khoảng 3% dân số của nước này.

“Làn sóng [tị nạn] là rất lớn và chúng ta cần phải lường trước rằng điều này vẫn chưa kết thúc. Chúng ta giờ đây phải dựa vào sự đoàn kết của các quốc gia EU khác” - Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech Vit Rakusan nêu ý kiến.

Cũng tại cuộc họp trên, các bộ trưởng nội vụ đã thảo luận về việc chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa dữ liệu cũng như việc di chuyển dòng người tị nạn xa hơn về vùng phía tây châu Âu. 

Ba Lan, Cộng hòa Czech và Lithuania kêu gọi hỗ trợ tài chính, trong khi các nước thành viên EU khác nhấn mạnh người tị nạn phải được đăng ký hợp lệ khi đến EU để các quốc gia chuẩn bị trường học, nơi ở cần thiết cũng như vì lý do an ninh.

Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Ylva Johansson cho biết cảnh sát cần kiểm tra và đăng ký kỹ lưỡng những người nhận trách nhiệm đón người tị nạn để giảm nguy cơ buôn lậu người hoặc bóc lột tình dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm