“Diễn” trước vành móng ngựa

“Diễn” trước vành móng ngựa ảnh 1


Tháng 2-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Huy Cường tù chung thân về hai tội giết người và cướp tài sản. Trước đó, dù tòa sơ thẩm đã trưng cầu giám định kết luận Cường không bị tâm thần nhưng cấp phúc thẩm vẫn phải hoãn xử một lần để giám định lại vì bị cáo giả điên quá đạt!

Giả điên hòng thoát án

Hoãn xử vì bị cáo có vấn đề tâm thần

Tháng 7-2007, xử phúc thẩm vụ tham nhũng tại Công ty Địa ốc Gò Môn (TP.HCM) tòa cũng phải hoãn xử vì cò đất Phạm Thị Tuyết Lan… có biểu hiện tâm thần. Phần thẩm vấn, trả lời tòa, bị cáo Lan đã nhiều lần có những biểu hiện bất thường nhưng khi được nhắc nhở thì trấn tĩnh lại. Đến hôm sau, chủ tọa hỏi Lan: “Sức khỏe bị cáo thế nào?”. Lan đáp: “Rất khỏe!”. Thế nhưng trả lời mấy câu sau nữa thì Lan lại nói lung tung. Có bận Lan nói: “Dạ, bị cáo không điên!” khi được tòa hỏi về vấn đề thần kinh của bị cáo. Nhưng khi tòa thử: “Chứ nếu bị cáo ngơ ngơ như vầy thì đâu ai làm ăn với bị cáo, đúng không?”. Lan gật đầu cái rụp: “Dạ, đúng”. Sau đó, từ ý kiến của hai luật sư bảo vệ Lan là bị cáo có biểu hiện không bình thường, đề nghị cho giám định tâm thần thì tòa đã phải hoãn xử.

Cường cùng năm đồng phạm thực hiện nhiều vụ giết người, cướp tài sản. Năm 1996, cả bọn bị bắt, còn Cường sáu năm sau mới chịu tra tay vào còng...

Khi thấy Cường có biểu hiện lạ, TAND TP.HCM đã trưng cầu giám định. Kết quả là Cường bị rối loạn thích ứng, có hội chứng suy nhược nhưng đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Dù vậy, Cường vẫn được cho đi chữa bệnh. Nhưng chữa xong thì Cường bắt đầu tỏ ra ngơ ngẩn, không trả lời câu hỏi của cán bộ tố tụng mà chỉ nói bâng quơ...

Tại tòa sơ thẩm, Cường chỉ cười cười, xoa xoa tay vào nhau. Tòa hết lời thuyết phục, lúc nhẹ nhàng, khi cương quyết nhưng đều không ăn thua. HĐXX đành thay nhau đọc từng tài liệu cho Cường nghe. Phần nói lời sau cùng cũng không thực hiện được vì bị cáo “diễn phim câm”. Cuối cùng, tòa kết luận Cường giả bệnh có chủ ý và phạt tù chung thân về hai tội giết người, cướp tài sản.

Sau đó, VKS kháng nghị theo hướng tử hình. Cường kháng cáo xin giảm án với lý do hoàn cảnh khó khăn và bản thân mắc bệnh tâm thần nặng.

Tại phiên phúc thẩm lần một cuối năm 2008, Cường giở bài cũ, giả điên tiếp. Tòa hoãn xử để trưng cầu giám định tâm thần lại và kết quả vẫn là Cường hoàn toàn bình thường. Xử phúc thẩm lại, Cường vẫn kiên quyết… điên như mọi lần, im lặng, không nói năng gì suốt phiên xử nhưng không thoát án.

Giả điếc nhằm trốn một năm tù

Cuối năm 2008, bị cáo Võ Hải đã khiến cả HĐXX phải khốn khổ khi cố tình giả điếc.

Trước đó, Hải đi chơi thì đụng phải ông L. khiến nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu. Hải bị thương tích 20%.

Tại TAND quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), Hải luôn miệng bảo: “Con không nghe tòa nói gì cả…”. Tòa hỏi gì Hải cũng tỏ ra ngây ngây, vểnh tai lên, nhìn thẳng vào HĐXX ra chiều không hiểu. Hải nói duy nhất một câu: “Con không có tội…”. Tuy nhiên, xét thấy nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, hoàn cảnh quá khó khăn nên tòa chỉ tuyên phạt Hải một năm tù.

Hải kháng cáo nhưng ngày TAND TP Đà Nẵng xử phúc thẩm thì Hải lại sử dụng chiêu “không nghe, không biết”, buộc tòa phải hoãn để trưng cầu giám định khả năng nghe của Hải.

Theo kết quả giám định thì Hải chỉ bị lãng tai, nếu nói lớn thì Hải hoàn toàn nghe rõ. Vậy nhưng đến phiên phúc thẩm lần hai, Hải lại giở chứng, cứ lắc đầu nguầy nguậy suốt buổi. Chủ tọa phải nói lớn, mở loa hết cỡ nhưng Hải vẫn im ru vì nghe hổng được…

Luật sư của Hải vội hiến kế: Tòa hỏi câu gì thì viết ra tấm bảng rồi đưa cho bị cáo đọc và trả lời. Tòa thuận tình làm theo nhưng ngặt nỗi trình độ hạn chế nên Hải đọc chữ được chữ mất. Quái hơn là có lúc đọc được ý các câu hỏi của tòa nhưng Hải vẫn cứ liên tục lẩm bẩm: “Dạ thưa, con không hiểu gì cả!”... Hai bên cứ cù cưa như vậy nửa ngày trời phiên xử phúc thẩm mới xong, tòa tuyên y án sơ thẩm.

Giả câm để chứng tỏ bị oan

Bị cáo Phan Thị Yên Phương phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, trong phiên xử hồi tháng 11-2007 tại TAND TP.HCM lại giả câm. Số là sau khi yêu cầu đổi HĐXX của mình bị từ chối, Phương bỗng câm tịt. Câu cuối cùng Phương nói trước khi đóng kịch câm là: “Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình là từ chối HĐXX”.

Sau đó tòa thẩm tra lý lịch, Phương không nói, không nhìn và đứng nghiêm. Phần thẩm vấn, Phương lim dim mắt rồi nhìn bâng quơ. Hai cảnh sát tư pháp ngồi bên liên miệng thúc “Nói đi, nói đi…” thì Phương đảo mắt liếc một cái để đáp lại rồi lại hướng lên phía chủ tọa nhìn chăm chăm. Luật sư của Phương khuyên nhủ nhưng cũng chẳng lay chuyển được gì.

Tòa đành dành trọn hai buổi xử để công bố nguyên văn các lời khai trong hồ sơ điều tra. Thế rồi đến phần nói lời cuối cùng thì bất ngờ Phương buột miệng nói nhưng chỉ vỏn vẹn ba từ: “Tôi bị oan!”. Tuy vậy, theo tòa thành phố, căn cứ vào hồ sơ tài liệu, lời khai của các bị hại và các chứng cứ khác đã đủ cơ sở kết tội bị cáo. Tòa tuyên phạt Phương 30 năm tù và phải bồi thường gần 9 tỉ đồng cho những người bị hại.

Từ trong trại tạm giam, Phương kháng cáo kêu oan nhưng trong phiên xử phúc thẩm sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án vì Phương bị “mất điểm” là không hợp tác với tòa.

Tòa phải nghiêm khắc

“ Một khi kết quả giám định khoa học hình sự đã kết luận họ không bị tâm thần, câm, điếc… như họ thể hiện thì tòa cứ căng theo pháp luật mà xử, không việc gì phải nhân nhượng, mất nhiều thời gian với bị cáo. Bởi khi ấy kết quả giám định là căn cứ chứng minh bị cáo giả dạng để lừa dối tòa và tòa phải dựa vào đó để tuyên án. Nếu tòa không quyết đoán và nghiêm khắc thì những chiêu đối phó này sẽ ngày càng nhiều và tinh vi hơn. ”

Thẩm phán NGUYỄN THỊ HỒNG, Phó Chánh án TAND huyện Phước Long, Bình Phước

Khôn khéo dùng chiêu để… “bắt giò”

“Chẳng hạn có lần tôi xử một vụ bị cáo có biểu hiện giả tâm thần, phía gia đình và luật sư liên tục yêu cầu hoãn xử để giám định tâm thần. Thế là tôi không thẩm vấn nữa mà gọi lên động viên mấy câu rồi hỏi hồi nhỏ bị cáo học có giỏi không, nhiều giấy khen không. Bị cáo này bị đánh lừa nên liệt kê vanh vách những thành tích của mình y chang lý lịch trong hồ sơ gia đình nộp để hưởng tình tiết giảm nhẹ. Lát sau tôi nghiêm giọng và “bắt bài” lật tẩy trò giả ngớ ngẩn. Bị cáo này chỉ biết cúi đầu xin tòa giảm án chứ không còn quanh co trốn tội nữa."

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Giáo dục tâm lý bị can

“Theo tôi, hiện nay công tác giáo dục tâm lý cho các bị can trong quá trình tạm giam của chúng ta còn đang bỏ ngỏ, chỉ khi đã thành án thì họ mới được đưa vào khuôn khổ. Trong khi chính thời gian bị tạm giam (có những vụ án kéo dài hàng chục năm) để lấy lời khai là lúc họ căng thẳng nhất, dễ bị ức chế và phát sinh khủng hoảng tâm lý nhất. Lúc này họ cần được động viên về tâm lý để kêu gọi sự phục thiện và thành khẩn. Nên chăng chúng ta nên nghiên cứu, thay đổi quy định trong lúc bị can tạm giam, chẳng hạn cho người nhà, luật sư tiếp xúc nhiều hơn để động viên họ. Chúng ta nên “phòng bệnh” trước chứ như hiện nay là cứ chờ “phát bệnh” rồi mới tìm cách chữa thì tôi e rằng hơi muộn. ”

Luật sư LƯU VĂN TÁM, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm