Điều cần biết về viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP

Nếu bạn chẳng may “xấu bụng”, thường có các triệu chứng như: đau bụng, đau vùng thượng vị, nôn ói, ợ chua, ợ hơi, tiêu chảy, táo bón… và không sớm đi thăm khám đúng bệnh, điều trị kịp thời thì có nguy cơ rơi vào các biến chứng nguy hiểm, một trong các bệnh đó là viêm loét dạ dày (bao tử) do nhiễm vi khuẩn HP.

Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP là dạng xoắn khuẩn gram âm, có 3-5 chiên mao, sống trong lớp nhày phủ trên niêm mạc dạ dày. Thông thường dạ dày tiết ra acid để tiêu hóa thức ăn nhưng đồng thời nó cũng có một lớp nhày để bảo vệ lớp niêm mạc. Nhưng vì một lý do nào đó acid dịch vị tăng lên nhiều (thường ảnh hưởng bởi yếu tố thần kinh) hoặc lớp nhày này bị tiết ra ít đi (không đủ bảo vệ niêm mạc) thì “ngoại bang” rất dễ tấn công. Lúc HP “đổ quân” vào dạ dày, nếu hàng rào chống đỡ thành dạ dày yếu đi thì nó sẽ chui vào dưới lớp nhày, “đánh chiếm” và xâm nhập dễ dàng vào lớp niêm mạc dạ dày. Sau đó phá hủy bằng việc tiết ra các men và độc tố tế bào, làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm loét.

Điều cần biết về viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP ảnh 1

Những món khó tiêu đối với những người bị viêm loét dạ dày. Ảnh minh họa: NM

“Nhiễm HP không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ có các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, vẫn còn các nguyên nhân khác gây loét dạ dày tá tràng như thể dịch và thần kinh, nhất là bị stress, mất ngủ kéo dài. Trường hợp những người bị viêm loét tái đi tái lại nhiều lần không điều trị khỏi cộng với cơ địa riêng sẽ gây biến chứng nặng có thể dẫn tới ung thư” - BS Nguyễn Minh Ngọc, Phó khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 cho biết.

Đối với trẻ em, triệu chứng phổ biến nhất khi bị viêm dạ dày do nhiễm HP là đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn (nhiều lần trong tuần), đau ban đêm, đau có liên quan đến bữa ăn (lúc đói quá hoặc no quá), có khi nôn ói, nặng hơn thì có thể ói ra máu, tiêu ra phân đen như bã cà phê (do xuất huyết trong dạ dày), thiếu máu...

Những điều cần biết

Theo BS Minh Ngọc, cách phòng chống tốt nhất là ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, không mớm thức ăn trực tiếp từ miệng qua miệng như các bà mẹ đút cơm cho con, tránh dùng đũa gắp thức ăn chung…

Một chế độ ăn uống hợp lý trong quá trình điều trị bệnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. BS Minh Ngọc khuyến cáo bệnh nhân đau dạ dày nên tránh hoặc giảm các thức ăn có độ acid cao, cứng như chanh, quýt, cam, cà chua, dứa, cóc, ổi, me, xoài sống, lá giang…; giảm các gia vị cay như ớt, tiêu, hành… Các loại thức ăn này đưa vào dạ dày đang bị tổn thương chẳng khác nào “kim châm muối xát” gây đau đớn hơn. Ngoài ra, nên tránh các loại thức ăn tạo hơi gây khó tiêu như: các loại đậu hạt, dưa cà muối, đồ hộp, thịt nguội, rượu, bia, thức uống có gas, cà phê…

Trong ngày, bạn nên ăn uống theo cữ, đúng giờ, không bỏ bữa, không ăn no căng bụng sẽ làm dãn vùng tổn thương và cũng không nên để bụng đói quá, không nên ăn trễ vào cữ chiều tối vì dễ làm dạ dày tiết nhiều acid… Nên tránh các món ăn được chế biến nhiều dầu mỡ làm khó tiêu hóa, nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu nhừ, đặc biệt là nên “nói không” với các loại thức ăn cứng (như gân, sụn…). Khi ăn phải nhai thật nhuyễn vì nước bọt có tính kiềm làm trung hòa acid, giảm “gánh nặng” cho dạ dày…

CHIÊU DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm