Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, phạm vi điều chỉnh của luật này là nên bao gồm tất cả QĐHC được ban hành bởi cơ quan hành chính nhà nước nhưng loại trừ các QĐHC do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành để đảm bảo tính khả thi. Vì trên thực tế có nhiều QĐHC được ban hành chưa thật sự phù hợp, khả thi, công bằng, bị khiếu nại, khiếu kiện đông người và kéo dài đa phần do các cơ quan hành chính ban hành. Riêng đối với các quyết định do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành thì nhiều khi mang tính chính trị, do đó một số nước loại trừ QĐHC của chính phủ, thủ tướng chính phủ và theo đó đây không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Thủ tục hành chính, không phải đối tượng khiếu nại, khiếu kiện ra tòa. Hiện tại, Luật Tố tụng hành chính ở nước ta cũng chỉ điều chỉnh đến các QĐHC từ cấp bộ trưởng trở xuống.
Không đồng tình, nhiều đại biểu cho rằng không thể loại trừ các QĐHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính thông suốt, hiệu quả.
Trong vấn đề này, PGS-TS Tường Duy Kiên (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho rằng chủ thể của luật thì phải áp dụng thống nhất cả cấp Chính phủ, Thủ tướng đến cấp dưới chứ không thể loại trừ cấp Chính phủ. Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có phạm vi toàn quốc, ảnh hưởng đến người dân rất lớn, ví dụ như việc sáp nhập tỉnh. Do vấn đề ảnh hưởng đến số đông người dân nên cũng phải được điều chính trong luật này.
DƯƠNG HẰNG