Điều dưỡng gồng gánh trăm công ngàn việc

(PLO)- Mặc dù đảm trách khối lượng công việc không hề nhỏ trong quá trình khám chữa bệnh, song thu nhập của điều dưỡng quá thấp so với tính chất và yêu cầu của công việc đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, là người tiếp xúc và gần gũi với bệnh nhân (BN) nhiều nhất trong hoạt động khám chữa bệnh. Nhưng vì nhiều lý do, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, nguồn nhân lực này đang bị thiếu hụt đến mức báo động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều khả năng đến năm 2030 Việt Nam sẽ thiếu hơn 50.000 điều dưỡng.

Mau khỏe nhờ điều dưỡng chu đáo

Nằm tại Khoa nội tổng hợp BV quận 11, TP.HCM sau khi phẫu thuật cắt bỏ thực quản do bệnh lý trào ngược dạ dày, thực quản, bà NTTM (48 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Ban đầu do phải ăn qua ống thông nên tôi khó chịu không muốn ăn, may nhờ các em điều dưỡng nhỏ nhẹ an ủi nên tôi cố gắng ăn cho đủ dinh dưỡng, hạn chế biến chứng và tác dụng phụ sau phẫu thuật”.

Điều dưỡng Trần Lê Yến Linh đang truyền dịch cho bệnh nhân ở Khoa nội tổng hợp BV quận 11. Ảnh: TRẦN NGỌC

Điều dưỡng Trần Lê Yến Linh đang truyền dịch cho bệnh nhân ở Khoa nội tổng hợp
BV quận 11. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sau khi được tháo ống thông, bà M được bác sĩ (BS) cho phép ăn cháo, súp, canh… để dễ tiêu hóa. Con trai đi làm phụ hồ suốt ngày, việc ăn uống, tập luyện, vệ sinh của bà phải nhờ điều dưỡng.

“Các điều dưỡng chăm sóc tôi rất chu đáo, đút từng muỗng cháo. Lỡ đồ ăn có rớt các em cũng không phiền lòng mà vui vẻ lau mặt, thay áo giùm. Ngày vài cữ điều dưỡng còn giúp tôi tập luyện nhẹ để tránh hình thành cục máu đông, giảm biến chứng viêm phổi, tắc mạch sau cắt thực quản. Tôi cám ơn các điều dưỡng rất nhiều” - bà M xúc động kể có lần thấy điều dưỡng quá cực nên bà lén nhét tiền vào túi họ, khi phát hiện ra họ đã từ chối.

Điều dưỡng đóng góp rất nhiều trong hoạt động khám chữa bệnh nhưng vai trò của họ lại chưa được nhìn nhận đúng mức, công sức bỏ ra nhiều song thu nhập chưa tương xứng. Trong mắt nhiều người, điều dưỡng là người giúp việc cho BS. Do vậy khi được xuất viện, đa phần BN tìm BS để cám ơn, hiếm khi gặp điều dưỡng.

HỒ THỊ BÍCH HOÀNG, Trưởng Phòng điều dưỡng BV Nguyễn Trãi

Cha của ông VVK (34 tuổi, ngụ TP.HCM) bị xuất huyết tiêu hóa nặng, đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc BV Nguyễn Trãi. Tất cả BN khoa này thuộc diện chăm sóc đặc biệt nên mọi sinh hoạt đều do điều dưỡng giúp đỡ, người nhà không được vào. Chỉ những khi cần thêm vật dụng cá nhân, điều dưỡng mới báo người nhà BN chuẩn bị.

“Ngoài tiêm thuốc, hỗ trợ BN ăn uống, vệ sinh, điều dưỡng còn phải theo dõi sinh hiệu, thực hiện y lệnh của BS, phát hiện những bất thường báo cho BS biết để xử trí kịp thời. Họ còn luôn quan tâm động viên, trò chuyện, giúp BN tránh rơi vào tâm trạng buồn bã, lo âu khi không có người thân bên cạnh. Tôi vô cùng cảm kích khi biết về công việc của các điều dưỡng” - ông K trải lòng.

Công việc nhiều nhất và thường xuyên nhất

Theo bà Trần Thị Thu Nga, Phó Trưởng Phòng điều dưỡng BV quận 11, điều dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài chăm sóc, vệ sinh, tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, theo dõi sinh hiệu cho BN, điều dưỡng còn trò chuyện, động viên tinh thần giúp BN mau vượt qua bệnh tật.

Bệnh nhân Khoa hồi sức tích cực và chống độc BV Nguyễn Trãi đang được điều dưỡng Trần Thị Thùy Linh chăm sóc. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc với BN khi làm thủ tục nhập viện, chăm sóc BN trong quá trình điều trị và cũng là người theo BN đến khi làm thủ tục xuất viện” - bà Nga chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng điều dưỡng BV Ung bướu TP.HCM, cho biết ngoài theo dõi sức khỏe của BN, điều dưỡng còn có thể góp ý cách thức điều trị thay thế để BN mau hồi phục. Phối hợp với các khoa, phòng xét nghiệm chẩn đoán để điều trị cho BN; hướng dẫn, hỗ trợ BN trước và sau hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật.

“Ngoài thực hiện đúng phác đồ điều trị, các điều dưỡng còn phải sử dụng thành thạo trang thiết bị khám và điều trị cho BN. Trong bệnh viện, có thể nói công việc của điều dưỡng là nhiều nhất và thường xuyên nhất” - bà Hằng nói.

Điều dưỡng - trái tim của ngành y

Không ít người cho rằng điều dưỡng là người giúp việc cao cấp của BS nhưng thực tế thì họ là người bảo hộ, quan tâm và phục hồi sức khỏe thể xác lẫn tinh thần của BN. Trong khi BS tập trung đối phó với bệnh tình của BN. Điều dưỡng được ví như trái tim trong hoạt động chăm sóc sức khỏe. Một khi không có điều dưỡng, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ không hoạt động được trơn tru.

GS PHẠM MẠNH HÙNG, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm