Chuyện cúi chào 2-3 bận, cảm ơn khách rối rít chẳng mới lạ gì ở Nhật nhưng lại thành hiện tượng ở Việt Nam. Lý do là trước nay dân ta bỏ tiền mua nhiều dịch vụ nhưng có mấy khi được trân trọng vậy đâu.
Cái quan trọng nhất trong mua bán là làm hài lòng khách, khách đã vui rồi thì chuyện gì cũng hanh thông. Không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà cả cách đối xử với khách. Thời kinh tế thị trường mà nhiều nơi vẫn ung dung kinh doanh theo lối xin-cho chứ không phải phục vụ. Vậy mới có chuyện khi có đối thủ biết phục vụ xuất hiện thì thua ngay không kịp bàn cãi. Taxi truyền thống là bài học nhãn tiền.
Tiền vất vả để kiếm ai cũng biết nhưng tới cả tiêu tiền mà cũng bị nhăn nhó hay thờ ơ thì ai mà ham nữa! Tôi hiểu chuyện đứng bơm xăng cả ngày chẳng sung sướng gì nhưng sao người ta vẫn làm tốt hơn mình? Nhân viên vẫn có thể tươi cười, hòa nhã, chào hỏi và nói cảm ơn. Họ cũng đang bơm xăng, cũng mưa gió bụi bặm chứ đâu phải đang ở spa, thế nhưng họ vẫn cho khách hàng ăn kẹo ngọt được, vẫn khiến khách vui vẻ, thư giãn khi giữa dòng đường ngược xuôi tất tả được nhìn thấy nụ cười, được phục vụ chu đáo, thậm chí là cưng chiều, giá cả lại hợp lý thì móc ví trả tiền người mua vẫn sẽ tươi như hoa.
Họ bán cả những giá trị không đo đếm được, không sờ nắn được nhưng lại cảm nhận được. “Hãy hết mình với khách và khách sẽ hết tiền với mình”, đó là lý do họ trau chuốt, o bế từng chi tiết nhỏ xíu cái mà họ bán. Chỉ là cục kẹo nhưng bao bì phải làm sao xinh xắn, chỉ là cơm cuộn nhưng phải nghĩ cách gói sao cho dễ bỏ vỏ, đổ xăng nhưng thấy gương xe bám bụi họ sẽ xin tài xế cho phép lau sạch và còn cám ơn vì đã cho giúp, cố gắng bán với giá rẻ hơn dù chỉ vài trăm đồng nhưng đủ khiến người bỏ tiền nhớ rằng mua ở đây họ lợi hơn ở kia.
Ông giám đốc chịu đứng dưới mưa cúi chào, hướng dẫn khách vào sân đổ xăng là bởi ông ta thực sự tôn trọng quyền lựa chọn rót tiền vào đâu của khách. Tôi cho rằng đó là một thái độ kinh doanh tích cực và công bằng, đáng để học hỏi. Họ bỏ ra nhiều thì sẽ thu lại được nhiều. Họ thi triển từng mảng miếng công phu, tận dụng từng centimet lợi thế để khiến khách hàng có cảm giác hài lòng cao nhất. Cái đích đến không gì khác: Khách sẽ chọn họ để tiêu tiền chứ không phải một thương hiệu khác.
Còn với các nhà kinh doanh không muốn bỏ ra nhiều mà cứ dựa vào cơ chế để cố thu lợi cao thì sẽ chỉ tồn tại được với tấm khiên “độc quyền” mà thôi.
Mà xin thưa, thời nay sao giữ mãi độc quyền được, nhất là trong thế giới hàng hóa, dịch vụ muôn hình vạn trạng, luôn sinh sôi nảy nở rào rào như nấm sau mưa.