Bởi dù văn hóa kinh doanh của Nhật Bản nhiều người đã từng nghe, từng chứng kiến khi sang Nhật Bản nhưng văn hóa ấy thể hiện một cách sinh động tại Việt Nam những ngày qua là một điều… bất ngờ. Cũng bởi khách hàng, hay được gọi là “thượng đế” ở Việt Nam chỉ chứng kiến những lần tăng giá rất cao rồi giảm giá nhỏ giọt của các hãng xăng dầu. Và vài năm gần đây, việc nhân viên bán xăng đưa tay chỉ vào bảng giá cho khách hàng thấy đồng hồ trở về số 0 cũng được coi như một điểm sáng.
Cúi đầu chào khách có vẻ chưa phải là nét văn hóa kinh doanh của Việt Nam nhưng những hành động tri ân trực tiếp và sinh động đối với khách hàng cũng chưa phải là phổ biến. Thậm chí tình trạng gian lận khi đong đếm xăng cho khách vẫn diễn ra thường xuyên và không phải lúc nào “thượng đế” Việt cũng yên tâm với chất lượng sản phẩm mình bỏ tiền ra mua.
Đáng nói, tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngành xăng dầu. Những thuốc ung thư kém chất lượng, thuốc giả, phân giả, heo thịt bị tiêm thuốc an thần,… vẫn luôn làm cho “thượng đế” Việt sốc hết lần này đến lần khác. Văn hóa kinh doanh có lẽ cũng vì vậy mà trở thành điều xa xỉ ở một vài nơi. Dĩ nhiên, thời hội nhập hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đã luôn biết cách làm mới mình bằng văn hóa kinh doanh mà họ tự tìm hiểu, áp dụng.
Hẳn nhiên, có thể không phải “thượng đế” Việt nào cũng thích mình được cúi chào mỗi khi vào một cửa hàng, một siêu thị. Điều giản dị có lẽ cũng chỉ cần một nụ cười, những lời nói ngọt ngào, dễ nghe, không như “bún chửi” từng “nổi tiếng” trên CNN thuở nào.
Vì hiện đã qua thời bao cấp, cái thời mà các cô mậu dịch mới là “thượng đế”, phán thế nào dân phải chịu thế ấy. Cái thời mà khách hàng chẳng có nhiều dịch vụ, hàng hóa để mà lựa chọn đã qua rất lâu nhưng di chứng của “phong cách” độc quyền vẫn còn phảng phất đâu đó, trong nhiều lĩnh vực xã hội.
Còn nhiều những sản phẩm đáng lẽ ra phải được cung cấp cho khách hàng một cách… có văn hóa. Thế nhưng chế độ “xin-cho” vẫn còn ngăn cản người dân, để họ được thụ hưởng một cách chính đáng.
Không ai muốn tồn tại trong một môi trường mà văn hóa kinh doanh thiếu vắng. Thật không nên tồn tại thái độ trịch thượng trong những dịch vụ độc quyền!
Có lẽ đã đến lúc văn hóa kinh doanh phải thực sự trở thành tiêu chí đánh giá sự thành công của bất kể doanh nghiệp nào. Để hành động cúi chào của người Nhật Bản tại Việt Nam không còn là điều bỡ ngỡ! Bởi xét cho đến cùng, khách hàng mới là nền tảng phát triển bền vững của bất cứ doanh nghiệp nào.