Đại gia xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan cho báo chí biết đã vận hành trạm xăng bán lẻ Idemitsu Q8 tại Hà Nội. Đây là trạm xăng 100% vốn nước ngoài đầu tiên kinh doanh tại Việt Nam.
Trạm xăng dịch vụ này nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản.
IQ8 là công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản thành lập hơn một năm trước, mỗi bên sở hữu 50% vốn điều lệ.
Phía Idemitsu Kosan cho biết hãng cũng áp dụng hệ thống thanh toán thẻ POS tại trạm xăng, cho phép người mua không cần trả tiền mặt mà có thể thanh toán bằng thẻ ATM.
Như vậy, với sự tham gia chính thức của đại gia nước ngoài, nhiều người kỳ vọng có thể sẽ mang lại thay đổi cho bán lẻ xăng dầu Việt Nam.
Bán lẻ xăng dầu sẽ thay đổi
Như chúng tôi đã thông tin, Công ty Idemitsu Kosa của Nhật Bản và Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPC) đã thành lập liên doanh với tên gọi Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam.
Hiện tại hai đối tác này đang nắm giữ 35,1% vốn tại dự án Liên hợp Lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa.
Đại diện Idemitsu cho hay công ty này đã nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam, chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc.
Hiện nay ba công ty xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đang thống lĩnh khoảng 75% thị phần xăng dầu trên cả nước. Điều này có nghĩa thị trường xăng dầu hiện vẫn là “mảnh đất riêng” của các công ty Việt.
Với sự tham gia của đại gia lớn trên thế giới hy vọng có thể sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước.
Với sự tham gia chính thức của đại gia nước ngoài, nhiều người kỳ vọng có thể sẽ mang lại thay đổi cho bán lẻ xăng dầu Việt Nam.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, từng nói nói Pháp Luật TPHCM: “Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu, hướng tới một thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng đây là một sự khởi đầu về việc xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận việc các công ty xăng dầu ngoại tham gia vào khâu bán lẻ sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Ông Doanh cũng cho rằng theo cam kết hội nhập, Việt Nam dần dần sẽ mở cửa thị trường trong nước, trong đó có xăng dầu. Khi các đại gia ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của DN trong nước và nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó các DN ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu phải công khai, minh bạch và công bằng hơn.
Vẫn còn rào cản
Tuy đánh giá tích cực việc có ông lớn nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu Việt, nhiều ý kiến lo ngại xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép lập cây xăng còn nhiều bất cập.
Đại diện một công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nhìn nhận việc đại gia nước ngoài tham gia trực tiếp vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam không phải dễ dàng.
Họ muốn tham gia thị trường này thì cũng phải đáp ứng nhiều điều khoản của Nghị định 83/2014 như có hệ thống phân phối, trạm chứa xăng dầu, hệ thống đại lý… đáp ứng được những điều kiện này là không đơn giản.
“Thực tế nhiều công ty nội địa muốn mở rộng hệ thống kinh doanh bán lẻ nhưng vẫn không thực hiện được vì phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Trong đó địa điểm đặt cây xăng và thủ tục cấp phép cho cây xăng hoạt động là vấn đề vướng mắc lớn đối với DN” - đại diện công ty trên cho biết.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay Nghị định 83 không quy định ngoại lệ nào với các thương nhân nước ngoài hay trong nước, miễn là thương nhân đó được cấp có thẩm quyền cấp phép bán lẻ xăng dầu.
“Cái khó của các DN ngoại là tìm địa điểm đặt cây xăng bởi các địa điểm thuận tiện hiện nay đã được các DN nội chiếm lĩnh” - ông Long nói.
Việc các công ty xăng dầu ngoại tham gia vào khâu bán lẻ sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ, khách hàng có lợi.
Đại gia xăng dầu Idemitsu Q8 Petroleum LLC là công ty liên doanh do Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Kuwait Petroleum International Ltd (Kuwait) thành lập hơn một năm trước, mỗi bên sở hữu 50% vốn điều lệ. Liên doanh này có kế hoạch hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, lẻ các sản phẩm dầu khí, thông qua việc xây dựng các trạm dịch vụ trên cả nước. Idemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil). Trong khi, Kuwait Petroleum International Ltd có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu và là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait. Tập đoàn này sở hữu thương hiệu xăng dầu Q8 với lượng tiêu thụ tương đương hơn 450.000 thùng mỗi ngày trên toàn thế giới. |
Trạm xăng của Nhật có gì mới? Ngày 5-10, tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội đã diễn ra lễ khai trương Trạm xăng dầu Idemisu Q8, trạm xăng dầu 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Dựa trên những kinh nghiệm mà cả Kuwait Petroleum và Idemitsu đã gặt hái được tại châu Âu và Nhật Bản, Liên doanh Xăng dầu IQ8 đặt mục tiêu phát triển ngành nghề kinh doanh xăng dầu chuyên nghiệp và bài bản tại thị trường Việt Nam trong những năm tới. Dự kiến, sau Idemisu Q8 khai trương tại Hà Nội, Idemisu Q8 sẽ lần lượt xuất hiện tại một số tỉnh khu vực phía nam. IQ8 trang bị một hệ thống phần mềm quản lý trạm tự động cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác số lượng nhiên liệu đến 0,01 lít, cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng. Trạm xăng dầu được thiết kế và trang bị các công nghệ mới nhất, bao gồm:Bể chứa nhiên liệu 2 lớp, hệ thống đường ống dẫn bằng vật liệu tổng hợp nhằm ngăn chặn tối đa việc rò rỉ nhiên liệu gây tác động môi trường. Trạm xăng còn cung cấp dịch vụ chuẩn Nhật đem đến sự hài long cho khách hàng qua đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản. Trước Idemitsu Kosan, Tập đoàn Total (tập đoàn năng lượng của Pháp) cũng đã xuất hiện tại thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam từ những năm 1990, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực khí hoá lỏng, dầu nhờn và xăng dầu. Tuy nhiên, hình thức vận hành của Total là nhượng quyền thương hiệu |