Đánh thuế đặc biệt có giảm được… béo phì không?

Những lý do không phù hợp, nhất là đối với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đã nhận được những phản ứng khá gay gắt của doanh nghiệp (DN) tại hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung năm luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-9.

“Chứng tỏ chưa hiểu gì”

Ông Trần Quang Trung, đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam, nói rằng một trong những lý do để Bộ Tài chính thuyết minh cho việc tăng thuế TTĐB đối với nước ngọt bao gồm trà, cà phê uống liền được đóng gói là để phòng, chống các loại bệnh béo phì và tiểu đường.

“Nhưng béo phì có nhiều nguyên nhân như do lười tập thể dục, ăn quá nhiều tinh bột, thậm chí có cả việc ngồi họp cả ngày… chứ không phải do nước ngọt” - ông Trung phản biện.

Hơn nữa, ông Trung dẫn số liệu của Bộ Y tế và cho biết khoảng 25% nam giới uống rượu bia ở mức độ gây hại, ăn không đủ hoa quả và rau xanh, điều này cũng dẫn tới béo phì. Trong khi đó Việt Nam lại chưa có chương trình hướng dẫn nhân dân chống béo phì.

Bởi vậy, ông Trung cho rằng: “Mục tiêu đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt để điều tiết hành vi tiêu dùng, chống béo phì là không ổn. Những người đề xuất đánh thuế nước ngọt để chống béo phì chứng tỏ không hiểu gì về thực phẩm, đồ uống”.

Từ đó, ông Trung đề nghị làm chính sách gì thì làm nhưng phải nghĩ tới 65% người dân và trẻ em ở nông thôn. Bởi trẻ em cần phải được thụ hưởng những sản phẩm đầy đủ dinh dưỡng. Đừng đánh đồng nước ngọt là những sản phẩm có đường khi mà trẻ em nông thôn vẫn rất thiếu dinh dưỡng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Vị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), rất lo lắng vì nếu căn cứ vào dự luật sửa năm luật thuế này, các DN nói chung và DN nước giải khát sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không? Nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt thì liệu có giảm được tỉ lệ béo phì và tiểu đường hay không? Đề nghị tăng thuế TTĐB với nước ngọt là thiếu thuyết phục” - ông Vị đặt câu hỏi.

Đại diện VBA cũng cho rằng nước ngọt không phải là mặt hàng xa xỉ để đánh thuế đặc biệt. “Đi đám cưới bây giờ, trên bàn bao giờ cũng có nước ngọt bên cạnh mấy chai bia. Chị em dùng nước ngọt nhiều. Nước ngọt đã trở thành một mặt hàng thiết yếu” - ông Vị dẫn chứng.

Nếu đánh thuế VAT lên quyền sử dụng đất, vô hình trung giá sẽ tăng thêm 12%. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không khách quan đánh giá tác động

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trong phần phát biểu của mình đã lưu ý: “Sửa đổi các luật thuế lần này không chỉ là tăng thuế VAT mà có tới hơn 30 nhóm chính sách thuế liên quan đến các DN trong các lĩnh vực khác nhau như bất động sản, ô tô, nước giải khát, thuốc lá, ngân hàng… Việc sửa các luật thuế lần này sẽ tác động đến toàn bộ người dân”.

Thế nhưng Bộ Tài chính không cử các quan chức đến tham dự như thông lệ mà lại cử ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách thuế, người cũng nằm trong ban soạn thảo dự luật sửa đổi năm luật thuế này, đến tham dự hội thảo. Sau khi ông Trương Bá Tuấn trình bày khá dài về các điều trong năm luật thuế sẽ được dự kiến sửa đổi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là người phát biểu đầu tiên.

“Bộ Tài chính đã làm đánh giá tác động, vậy kết quả tác động đó thế nào? Vì giải trình như Bộ đã đưa ra trong các văn bản thì chưa biết sau khi điều chỉnh năm luật thuế thì tăng thu ngân sách bao nhiêu” - bà Lan mở đầu cho phần phát biểu của mình.

Theo bà Lan, có rất nhiều vấn đề mà Bộ Tài chính chưa làm rõ. Chẳng hạn như việc tăng thu có bền vững không hay năm 2019 lại điều chỉnh tiếp. Tác động của việc sửa năm luật thuế này sẽ như thế nào đối với DN, người dân và nền kinh tế. Ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất? Sửa năm luật thuế này có phù hợp chính sách phát triển các ngành không?...

Đặc biệt, bà Phạm Chi Lan nói việc đánh giá tác động của việc sửa năm luật thuế này nếu do Bộ Tài chính thực hiện thì khó đảm bảo tính khách quan. “Đánh giá tác động phải do những đơn vị độc lập. Chứ hiện nay anh chỉ nhằm tăng thu mà nói tác động thì không thể nào khách quan được” - bà Phạm Chi Lan nói thẳng.

Vả lại, theo bà Phạm Chi Lan, việc sửa năm luật thuế này cần phải đi đôi với chiến lược điều chỉnh bội chi ngân sách. Bởi bội chi là do chi tiêu, đầu tư, phân bổ ngân sách bất hợp lý.

Bà Lan cũng cho rằng sửa năm luật thuế này phải đảm bảo tính thống nhất. Nếu đã nói thống nhất mà cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan nắm túi tiền quốc gia là Bộ Tài chính cứ bóc riêng ra để tính thì không được. “Tách riêng thu chi ra để tính rồi rốt cục gánh nặng thuế, phí dồn hết lên người nộp thuế trên đất nước này là không công bằng”.

Đề nghị tăng thuế TTĐB với nước ngọt gây nhiều tranh cãi

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, thì cho rằng: “Việt Nam đang tăng trưởng và cần phải có sự ổn định chính sách để phát triển. Bởi vậy, cần phải có nguyên tắc trong việc định ra các mức thuế đơn giản hơn”.

Không đồng ý tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít

“Trong thời điểm hiện tại, đưa ra việc tăng thuế suất là không thuận vì ảnh hưởng đến người dân và DN” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm như trên khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) chiều 13-9. Trong đó có đề xuất tăng khung thuế xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít của Bộ Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ nên tìm giải pháp tăng nguồn thu khác như tăng cường quản lý thu, giải quyết tồn đọng thuế, nợ thuế, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại... thay vì tìm cách tăng một số loại thuế.

“Khung thuế hiện hành dùng chưa hết, giờ lại đề nghị tăng gấp đôi khung cho xăng dầu trong khi đây không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhất là chưa hợp lý. Hơn nữa, tên luật là Luật Thuế BVMT mà trong cơ cấu về số thu từ các đối tượng chịu thuế BVMT, thu thuế BVMT đối với xăng dầu chiếm tới hơn 93% tổng số thu thuế BVMT” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Đề xuất đánh thuế khi sang tên giấy đỏ 

Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo là đề xuất áp VAT đối với quyền sử dụng đất. Theo đó, dự thảo luật đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế với mức thuế suất thông thường 10%. Như vậy, khi sang tên giấy đỏ theo diện mua bán, người dân sẽ phải chịu thêm 10% VAT.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định nếu áp VAT lên quyền sử dụng đất, vô hình trung giá sẽ tăng thêm 12% nữa. Đây là mức rất cao. Đánh thuế như thế này thị trường bất động sản rất nguy hiểm” - ông Hà nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm