Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30-8, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp sẽ không chịu nhiều tác động khi thay đổi thuế suất giá trị gia tăng (VAT). Cùng ngày, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho rằng khi tăng thuế VAT từ 10% lên 12% thì hộ gia đình phải trả thêm mỗi tháng cao nhất khoảng 70.000 đồng. Do vậy việc tăng thuế VAT tác động không lớn đến chi tiêu hộ gia đình có thu nhập thấp. Tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến rau, thịt ngoài chợ.
“Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế VAT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì!?” - ông Thi nói.
Những lý lẽ của đại diện Bộ Tài chính ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng gay gắt từ dư luận. Bạn đọc Huỳnh Văn Xuyên viết: “Là một người dân được học hành rất ít, tôi còn biết khi tăng thuế sẽ kéo theo tất cả sản phẩm bị ảnh hưởng, trong đó có sản phẩm bị ảnh hưởng trực tiếp (bị đánh thuế), có sản phẩm bị ảnh hưởng gián tiếp (do ảnh hưởng bởi các sản phẩm bị đánh thuế). Ví dụ thuế xăng lên thì hủ tiếu, bánh canh, phở… cũng bị tăng giá. Bởi xăng lên thì giá vận chuyển lên kéo theo giá hủ tiếu, bánh canh lên”.
Không chỉ bạn đọc mà các chuyên gia kinh tế cũng lấy làm ngạc nhiên về giải thích của Bộ Tài chính. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chia sẻ: Các nhà làm chính sách đừng ngồi máy lạnh mà hãy ra chợ để xem một bó rau, miếng thịt chịu bao nhiêu loại thuế, phí. Thuế VAT là thuế gián thu, người gánh cuối cùng chính là người tiêu dùng. VAT đánh vào mọi thành phần, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, miễn là họ tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
“Một con heo từ lò mổ hay bó rau từ hợp tác xã đến chợ chịu rất nhiều loại thuế, trong đó có VAT. Dù người tiêu dùng không nhìn thấy thuế VAT nhưng miếng thịt, bó rau phải chịu rất nhiều chi phí nước, điện, xăng, vận tải… Người bán rau sẽ phải nâng giá lên để bù đắp những chi phí đó” - ông Phú nói.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng tăng bất cứ loại thuế nào cũng ảnh hưởng đến đời sống, túi tiền của người tiêu dùng. Tăng thuế đương nhiên giá thành sẽ bị đẩy lên, kéo theo sức mua giảm, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không có người mua. Một hệ lụy dây chuyền sẽ tác động liên hoàn đến nền kinh tế, an sinh xã hội, việc làm… Người nghèo sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất. Trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, nợ công, bội chi tăng cao thì tăng thuế là giải pháp nhanh và dễ nhất trong điều hành chính sách. Tuy nhiên, thay vì tăng thu, dư luận đặt vấn đề tại sao Bộ Tài chính không tái cơ cấu chi thường xuyên, chống thất thu thuế, lãng phí…