Tại TP.HCM, mô hình rạp phim giường nằm khá phổ biến. Loại hình giải trí này được khán giả trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa rạp phim có trang bị giường nằm, tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan với những nơi kinh doanh lưu trú qua đêm lại quảng cáo là “rạp phim tình nhân”.
Nhiều ý kiến lo lắng nếu không quản lý tốt những cơ sở tự nhận mình là “rạp phim tình nhân” thì nguy cơ nơi đây sẽ trở thành địa điểm lệch chuẩn về nhu cầu vui chơi, giải trí, cũng không ngoại trừ khả năng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, giảng viên Học viện Tư pháp TP.HCM:
Có thể buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp
Để mở rạp chiếu phim, chủ thể kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh, giấy phép phân loại phim, giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, sử dụng phim một cách hợp pháp…
Ngoài ra, rạp chiếu phim cũng bắt buộc đáp ứng đầy đủ và đúng theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định cụ thể tại Thông tư 16/2013/TT-BVHTTDL về diện tích, chỗ ngồi của khán giả…
Một thực trạng đáng phải lưu ý khi hầu hết cơ sở này đều được quảng cáo là rạp chiếu phim nhưng lại đăng ký kinh doanh dưới hình thức dịch vụ lưu trú. Cách làm như vậy có thể bị xử phạt về hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng… theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 98/2020: Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng… hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp. Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này.
Hành vi kinh doanh dưới cái bóng quảng cáo là các rạp chiếu phim nhưng thực chất không khác gì nhà nghỉ với cách quản lý lỏng lẻo có nguy cơ dẫn đến tệ nạn xã hội.
Riêng hành vi phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (mức phạt đối với tổ chức vi phạm là 60-80 triệu đồng).
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Các tiêu chí cần có của một rạp phim
Theo Điều 32 Luật Điện ảnh thì cơ sở chiếu phim phải thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký. Đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của rạp chiếu phim theo quy định của Bộ VH-TT&DL.
Thông tư 16/2013 của Bộ VH-TT&DL ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rạp chiếu phim (QCVN 01:2013/BVHTTDL).
Theo đó, đối với phòng khán giả, diện tích phòng (bao gồm cả diện tích chỗ ngồi và lối đi lại) phải được thiết kế trên cơ sở đảm bảo cho mỗi chỗ ngồi khán giả có diện tích không nhỏ hơn 0,80 m2 và khối tích 4-6 m3.
Ghế ngồi trong phòng khán giả phải được gắn với nhau thành từng hàng và được cố định với nền. Các ghế lật phải đảm bảo không gây tiếng động khi sử dụng và tạo sự thoải mái cho khán giả trong suốt thời gian ngồi xem. Phòng khán giả phải có cửa thoát hiểm riêng…
Ngoài ra còn một số tiêu chuẩn khác về PCCC, bãi gửi xe…
Trường hợp cơ sở kinh doanh điện ảnh, rạp chiếu phim vi phạm quy định không đảm bảo về quy chuẩn kỹ thuật về rạp chiếu phim thì có thể bị xử phạt 80-100 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 10 Nghị định 38/2021, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các cơ sở này đăng ký kinh doanh lưu trú mà lại quảng cáo là rạp phim.
TS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, Trưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM:
Nguy cơ tệ nạn
Mô hình kinh doanh chiếu phim phòng mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh trên thực tế rất dễ gây hiểu nhầm giữa rạp chiếu phim và địa điểm lưu trú. Vì theo quy định hiện hành, không có mô hình “rạp phim tình nhân”.
Theo quy định của pháp luật, để được xem là rạp phim thì phải đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam về rạp phim. Tiêu chuẩn đó bao gồm PCCC, thông gió… Với cách thức họ tổ chức “rạp phim tình nhân” như vậy thì hoàn toàn không đáp ứng được tiêu chuẩn rạp phim theo quy định.
Với cách thức này, nguy cơ sẽ xuất hiện nhiều tệ nạn đi kèm như hành vi mua bán dâm. Thậm chí nơi đây có thể là địa điểm để nhiều đối tượng tổ chức sử dụng ma túy.
Đạo diễn PHÚC NGUYỄN, Giám đốc hình ảnh kiêm nhà sản xuất PH SPY:
Rạp phim phải là nơi giải trí lành mạnh
Đúng nghĩa rạp phim mini thì chức năng hoạt động cũng phải tương tự các rạp phim lớn, chứ không thể nào đưa hình thức đó thành tự do. Phải có sự quản lý của Nhà nước, có giờ và phạm vi hoạt động cho phép. Tuyệt nhiên không thể là khách sạn, vì đã là rạp chiếu phim phải là một nơi giải trí lành mạnh.•
Phản hồi
Kat in love - couple cinema đã đổi ngành nghề kinh doanh
Loạt điều tra “Bên trong “rạp phim tình nhân”” của báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải hai ngày qua thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc, trong đó có phản ánh về việc cơ sở Kat in love trên đường Thành Thái, phường 14, quận 10 đăng ký kinh doanh loại hình lưu trú nhưng quảng cáo là “rạp phim tình nhân”, dù đã bị tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hoạt động.
Ngày 19-6, ông Hà Tuấn Phương, Chủ tịch UBND phường 14, quận 10, TP.HCM, cho biết: Phường đã làm việc yêu cầu cơ sở Kat in love trên đường Thành Thái chấp hành và đã nộp phạt với số tiền 15 triệu đồng.
Phường hướng dẫn cơ sở này đăng ký hoạt động theo đúng ngành nghề. Hiện nay, cơ sở đã hủy mã số thuế đối với giấy phép hộ kinh doanh cũ và được cấp giấy phép hộ kinh doanh mới với ngành nghề cà phê, nước giải khát. Phường sẽ tiếp tục theo dõi và kiên quyết xử lý.
“Rạp phim tình nhân”: Không thể nhập nhằng!
“Rạp phim tình nhân” - một hoạt động kinh doanh nhập nhằng giữa nhà nghỉ và rạp chiếu phim đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Phần lớn ý kiến cho rằng để tránh lợi bất cập hại cho người và xã hội, người kinh doanh cần chính danh khi vận hành mô hình này.
Sau loạt bài điều tra “Bên trong “rạp phim tình nhân”” của báo Pháp Luật TP.HCM, đã có ý kiến lo ngại: Giả sử có những em gái dưới 16 tuổi, làm quen với người lạ trên mạng, người đó rủ đi xem phim. Em đồng ý đến rạp phim như cơ sở lưu trú quảng cáo. Ở đó, giả sử em bị sàm sỡ, bị hiếp dâm thì ai bảo vệ em?
Với người trưởng thành, việc đến “rạp phim tình nhân” có thể sẽ là lựa chọn và không gây ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, với giới trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ đang ở độ tuổi mới lớn thì hoàn toàn khác. Mô hình giải trí “rạp phim tình nhân” được trang bị sextoy, không có camera giám sát… có thể là một cái bẫy. Nếu không đủ kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, rất có thể các bạn trẻ tuổi mới lớn sẽ có suy nghĩ, hành động và cái nhìn lệch chuẩn về giải trí tại các “rạp phim tình nhân”. Nguy hại hơn, những địa điểm này không ngoại trừ khả năng trở thành nỗi ám ảnh của một số bạn trẻ, vì đã có trường hợp hiếp dâm xảy ra tại “rạp phim tình nhân”, cà phê phim…
Mới đây nhất, đầu tháng 2-2024 đã xảy ra vụ hiếp dâm khi hẹn hò ở quán cà phê phim trên phố Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đáng lên án hơn, bị hại còn bị quay video đăng lên nhiều trang mạng xã hội.
Trước đó nữa, năm 2017, một bé gái 13 tuổi bị xâm hại trong rạp chiếu phim HD trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM. Điều này không những xâm hại đến nhân phẩm, danh dự mà còn để lại nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần không thể bù đắp được.
Sự nhập nhằng trong việc đăng ký cơ sở lưu trú mà lại quảng cáo và kinh doanh “rạp phim tình nhân” thì không thể chấp nhận được. Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về “rạp phim tình nhân” kết hợp với khách sạn, nhà nghỉ.
Để “rạp phim tình nhân” không ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt không trở thành nơi trụy lạc, cấp thiết phải có sự quản lý của Nhà nước. Cơ sở lưu trú là lưu trú, rạp phim là rạp phim. Đã là rạp phim thì phim chiếu phải được cấp phép và kiểm duyệt. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh nhập nhằng này.
TUỆ ANH