Điều tra bổ sung vụ thất thoát ngàn tỉ ở 1 ngân hàng

Theo lịch, hôm nay (ngày 26-9), TAND TP Cần Thơ sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về hoạt động cho vay gây thất thoát hơn 1.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô).

Tuy nhiên, phiên tòa đã tạm hoãn để điều tra bổ sung do số tiền ở một số công ty không thống nhất.

Theo cáo trạng mới nhất của VKSND Tối cao ngày 15-8, nhóm cán bộ VCB Tây Đô gồm: Nguyễn Minh Chuyển (52 tuổi, nguyên Giám đốc), Trần Anh Huy (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tín dụng) và Nguyễn Hữu Nghĩa (46 tuổi, nguyên cán bộ) cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 BLHS năm 1999.

Nhóm bị can là giám đốc các DN gồm Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Võ Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng, Cao Hoàng Thám và Trần Văn Anh Duy cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999.

Cáo trạng quy kết, từ năm 2010 đến tháng 12-2014, Chuyển, Anh Huy, Hữu Nghĩa và một số cán bộ của VCB Tây Đô có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay, vi phạm về quy chế cho vay đối với khách hàng, không tuân thủ nghiêm túc quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Trụ sở Ngân hàng VCB Tây Đô

Các bị can đã ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 DN thuộc sáu nhóm khách hàng với tổng số tiền giải ngân trên 2.467 tỉ đồng vay vốn, đến nay không có khả năng thu hồi. Gây thiệt hại cho VCB Tây Đô tổng số tiền hơn 1.838 tỉ đồng và thông qua đó để cho các bị can Hùng Cường, Công Trừng, Cao Hoàng Thám, Anh Duy, Vũ Bình, Võ Hoàng Thám, Hồng Sơn, Minh Tú và Thanh Hùng là chủ các nhóm DN trên địa bàn lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô tổng số tiền trên 1.051 tỉ đồng.

Đơn cử như phi vụ chiếm đoạt tiền của Nguyễn Thanh Hùng. Từ năm 2013 – 2015, Hùng sử dụng pháp nhân của tám công ty trong nhóm An Đô và các tài liệu kế toán lập khống làm hồ sơ vay vốn, rút vốn vay VCB Tây Đô thông qua 12 hợp đồng tín dụng ngắn hạn. Qua đó lừa đảo chiếm đoạt trên 395 tỉ đồng.

Hay phi vụ chiếm đoạt của Hùng Cường và Công Trừng. Từ năm 2010 đến 2014, Hùng Cường và Công Trừng đã chỉ đạo anh em trai nhân viên Công ty Nam Sông hậu đứng tên thành lập một số doanh nghiệp hoặc sử dụng một số doanh nghiệp đã có sẵn với thủ đoạn gian dối lập hồ sơ khống, tài liệu chứng từ kế toán làm hồ sơ vay vốn lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô số tiền trên 243 tỉ đồng…

Cáo trạng xác định Nguyễn Minh Chuyển là người tổ chức, chỉ đạo và thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động cho vay, gây thiệt hại trên 1.838 tỉ đồng cho VCB Tây Đô, phải chịu trách nhiệm chính.

Cáo trạng còn thể hiện, ngoài các bị can trên thì còn có 20 cán bộ VCB Tây Đô có liên quan. Kết quả điều tra đã làm rõ hành vi vi phạm quy định pháp luật về cho vay. Tuy nhiên, các đối tượng này là cán bộ cấp dưới, làm theo sự chỉ đạo của Chuyển và không hưởng lợi. Cơ quan chủ quản đã có hình thức xử lý hành chính đối với từng cá nhân sai phạm…

 

Phối hợp chặt với CQĐT

Liên quan đến vụ việc này đại diện Vietcombank thông tin với Pháp Luật TP.HCM như sau: Vụ án liên quan đến Chi nhánh Vietcombank Tây Đô là vụ việc phát sinh từ những năm trước đây. Thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát nội bộ, Vietcombank đã phát hiện vụ việc tại Chi nhánh Vietcombank Tây Đô từ năm 2014. Sau đó Vietcombank đã khẩn trương thực hiện các biện pháp kiên quyết xử lý thu hồi nợ; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm túc.

Đồng thời, Vietcombank đã chủ động chuyển hồ sơ và phối hợp chặt chẽ với CQĐT để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.  Đến thời điểm này, Chi nhánh Vietcombank Tây Đô đã thu hồi được số tiền lớn trong vụ việc. Song song với thu hồi nợ, thông qua hoạt động kinh doanh, Chi nhánh đã tích cực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro đối với số tiền chưa thu hồi được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới