Vẫn còn tình trạng tra tấn tại nhà tù Guantanamo của Mỹ, theo điều tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố ngày 13-12. Người phụ trách điều tra là ông Nils Melzer - một nhà điều tra nhân quyền độc lập và là một báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tra tấn, theo Reuters.
Phạm nhân vẫn bị tra tấn?
Ông Melzer nói rằng ông có thông tin các phạm nhân bị giam trong nhà tù Guantanamo vẫn bị tra tấn, dù Mỹ đã cấm các kỹ thuật tra tấn từ gần 10 năm trước.
Theo điều tra, phạm nhân Ammar al-Baluchi, công dân Pakistan gốc Kuwait, cháu trai của Khalid Sheikh Mohammed - kẻ bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố ngày 11-9-2001, bị cáo buộc là đồng phạm trong cuộc khủng bố này đã phải chịu đựng các hình thức tra tấn vốn bị cấm theo luật quốc tế.
“Có thông tin việc anh ta bị tra tấn và đối xử tệ vẫn tiếp diễn. Ngoài các hậu quả dài hạn từ việc bị tra tấn trước đây, có thông tin anh ta vẫn tiếp tục chịu đựng tra tấn bằng tiếng ồn và chấn động, không cho ngủ, dẫn tới rối loạn về thể xác và tinh thần, mà không nhận được điều trị y tế” - theo tuyên bố từ văn phòng nhân quyền LHQ, không nói chi tiết về nguồn cung cấp thông tin cho ông Melzer.
Điều tra của Thượng viện Mỹ năm 2014 cũng cho rằng nghi can al-Baluchi được cho là đã phải chịu đựng tra tấn tàn nhẫn trong ba năm rưỡi ở các nơi giam giữ của CIA trước khi được chuyển về nhà tù Guantanamo, nơi nghi phạm này bị giam trong hơn 10 năm qua.
Nhà tù Guantanamo tại căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo thuê của Cuba thời điểm năm 2002. Ảnh: IBT
Kêu gọi khởi tố các quan chức vi phạm
Theo ông Melzer, việc cấm tra tấn và đối xử tệ với phạm nhân là một trong những quy định cơ bản của luật pháp quốc tế và không thể bị vi phạm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông Melzer kêu gọi khởi tố các quan chức Mỹ đã thực hiện hành vi tra tấn.
“Vì không khởi tố tội ác tra tấn ở nơi giam giữ của CIA, Mỹ vi phạm rõ ràng Hiệp định chống tra tấn và đang chuyển đi thông điệp nguy hiểm về sự tự mãn và không sợ bị trừng phạt đến các quan chức ở Mỹ và khắp thế giới” - theo ông Melzer.
Ông Melzer cho biết đã một lần nữa đề nghị được thăm nhà tù Guantanamo để phỏng vấn các phạm nhân nhưng vẫn bị từ chối.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tá Ben Sakrisson bác bỏ kết luận của nhà điều tra Melzer. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nói Mỹ ủng hộ việc làm của ông Melzer, khẳng định hiến pháp Mỹ cấm các hình thức trừng phạt tàn ác và bất thường, bắt buộc phải đảm bảo điều kiện nhân quyền trong giam cầm.
Một nhà tù gây tranh cãi Nhà tù Guantanamo do Tổng thống Cộng hòa George W. Bush mở trong căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo thuê của Cuba, để giam giữ các nghi can khủng bố bị bắt ở các nước sau sự kiện Mỹ bị khủng bố ngày 11-9-2001.
Việc tồn tại của nhà tù Guantanamo là đề tài tranh cãi khi các phạm nhân bị giam giữ lâu dài không qua xét xử. Từ 10 năm trước, nhà tù này trở thành một biểu tượng giam giữ khắc nghiệt với các cáo buộc tra tấn phạm nhân.
Tháng 1-2009, không lâu sau khi nhậm chức, người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống Dân chủ Barack Obama ra sắc lệnh chỉ đạo chấm dứt sử dụng “các kỹ thuật hỗ trợ thẩm vấn”. Trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama ưu tiên di chuyển các phạm nhân sang nhà tù các nước khác để tiến tới đóng cửa nhà tù Guantanamo theo lời hứa lúc tranh cử. Tuy nhiên, ông Obama đã không thực hiện được lời hứa này, dù đã nỗ lực giảm số phạm nhân từ vài trăm xuống còn 41, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ. Trái với chủ trương đóng cửa của ông Obama, đầu năm nay, sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Cộng hòa Donald Trump yêu cầu Quốc hội chi thêm tiền để nâng cấp nhà tù. |