Điều tra hàng chục người sử dụng bằng lái giả

(PLO)- Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT ở Đà Nẵng đã phát hiện hơn 20 vụ sử dụng bằng lái giả và đã chuyển cho cảnh sát điều tra, có người đã bị khởi tố.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Thượng tá Phạm Hồng Hải, Phó phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, tính từ ngày 16-12-2022 đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, đơn vị này đã phát hiện 26 trường hợp sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có 21 bằng lái giả.

Bằng lái giả mà Trần Quang Huy sử dụng để đối phó với lực lượng chức năng. Ảnh: HẢI HIẾU

Bằng lái giả mà Trần Quang Huy sử dụng để đối phó với lực lượng chức năng. Ảnh: HẢI HIẾU

Phòng CSGT đã hoàn thành hồ sơ và chuyển công an cấp quận, huyện tiếp nhận, điều tra. “Đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm, khi những người chưa có bằng lái nhưng sử dụng, làm giả các giấy tờ để đối phó với lực lượng chức năng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng” - Thương tá Hải nói.

Theo Công an huyện Hòa Vang, thời gian qua, đơn vị này thụ lý, điều tra nhiều vụ án hình sự liên quan đến hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, nhất là việc làm giả bằng lái, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trong hai năm 2021 và 2022, Công an huyện Hòa Vang đã khởi tố 21 vụ với 24 bị can về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong đó, đa số làm giả các bằng lái. Trong năm 2023, đơn vị này cũng tiếp nhận gần chục vụ khác liên quan đến việc làm giả tài liệu, con dấu, trong đó có làm giả bằng lái từ các đơn vị CSGT chuyển qua.

Công an huyện Hòa Vang đã khởi tố 21 vụ với 24 bị can về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó đa số làm giả bằng lái do các đơn vị CSGT chuyển qua.

Quá trình điều tra, Công an huyện Hòa Vang nhận thấy người phạm tội thường lên mạng kiếm người làm giả bằng lái rồi sử dụng để tham gia giao thông nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Động cơ phạm tội là do không có bằng lái, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không đủ tiền học lái xe, không có thời gian học trực tiếp nên các bị can đã đặt làm giả bằng lái với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí học lái xe thực tế.

Bên cạnh đó, nhiều người dân nhầm tưởng, nghĩ rằng việc sử dụng bằng lái giả sẽ không bị xử lý, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 2-5 năm:

... d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng...

(Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự)

Vừa qua, Công an huyện Hòa Vang cũng đã khởi tố bị can đối với Trần Quang Huy (20 tuổi, ngụ huyện Hòa Vang) về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Vụ việc Huy sử dụng bằng lái giả bị phát hiện khi chạy xe máy vi phạm đi ngược chiều. Khi CSGT yêu cầu xuất trình bằng lái thì Huy xuất trình bằng lái hạng A1 là giả. Huy khai mua bằng lái này trên mạng với giá 1 triệu đồng.

Theo một tài xế tên Minh, chuyên chạy xe đầu kéo ở Đà Nẵng thì hiện nay có nhiều lỗi vi phạm sẽ tước bằng lái từ một tháng trở lên. Trong thời gian bị giam bằng lái, tài xế thường lên mạng đặt làm bằng lái giả để tiếp tục được chạy xe và đối phó nếu bị kiểm tra.

“Việc xài bằng giả ai cũng sợ nhưng vì miếng cơm manh áo, không thể nghỉ việc nên đành làm liều” - tài xế Minh nói.

Tài xế Minh cho biết thêm một số người khác dùng bằng lái giả vì không tự tin thi lý thuyết, cũng có trường hợp tài xế xe đầu kéo nhưng chỉ mới có bằng lái hạng C, họ mua một bằng lái hạng FC giả để đối phó. Còn tài xế xe khách nếu bằng lái hạng thấp thì cũng mua thêm bằng hạng cao hơn để chạy xe.

Theo tìm hiểu, việc mua bằng lái trên mạng hiện rất dễ dàng, giá chỉ 1,5-3 triệu đồng/bằng lái. Người có nhu cầu chỉ cần gửi thông tin cá nhân là vài ngày sau sẽ có một bằng lái giả.•

Dùng bằng lái, thẻ nhà báo giả để đối phó với CSGT

Ngày 29-3, Cục CSGT thông tin trưa cùng ngày, tổ CSGT thuộc Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Đội 6, Cục CSGT) đang làm nhiệm vụ, xử lý vi phạm trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã dừng để kiểm tra ô tô 52Y-86xx do vi phạm chạy quá tốc độ quy định. Qua kiểm tra, người điều khiển xe là ông NPHT (47 tuổi, trú quận 11, TP.HCM).

Ông T đã xuất trình các loại giấy tờ liên quan, trong đó có một bằng lái hạng A2, B2 mang tên NPHT và một thẻ nhà báo.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác nghi vấn hai loại giấy tờ trên là giả nên mời người này về trụ sở đơn vị để làm việc. Tại cơ quan công an, ông T khai nhận vào khoảng tháng 1, ông lên mạng đặt mua một bằng lái và một thẻ nhà báo như trên với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Đội 6 đã bàn giao đối tượng, tang vật, xe, đồ vật có liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai để thụ lý, điều tra, xử lý tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo thẩm quyền. P.HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm