Trên số trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh nhiều nhóm thu mua vỏ bình nhớt đã qua sử dụng của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Castrol, Yamaha… về đổ nhớt tái chế vào, cho ra thành phẩm như thật.
Các cảnh báo, biện pháp ngăn ngừa của nhà sản xuất đã bị những người làm nhớt giả vô hiệu.
Vỏ thật, ruột giả
Theo website hướng dẫn của hãng Honda, “Bắt đầu từ tháng 4-2016 sau khi bóc tem, thông tin và hướng dẫn sử dụng của dầu nhớt chính hiệu Honda sẽ được in ngược trên mặt phía trong của tem. Bằng công nghệ in đặc biệt, chữ trên tem sẽ được in ngược lên thân bình, do đó tem sẽ khó bị làm giả hơn”.
Còn website nhà phân phối chính thức nhớt Castrol thì giới thiệu cách nhận biết hàng thật, giả ở thân vỏ, nắp và niêm bình.
Công ty Yamahamotor hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật bằng cách nghiêng hộp nhớt tem sẽ đổi màu trên thân vỏ. Công ty còn hướng dẫn cách chống tái sử dụng vỏ bằng cách đục thủng vỏ bình.
Tuy nhiên, những cảnh báo của nhà sản xuất đã bị những người làm nhớt giả vô hiệu và hàng giả công khai bày bán ngay ở những tiệm sửa xe có treo bảng của các hãng sản xuất này.
Những người làm nhớt giả giở chiêu rất đơn giản là tung người đi thu mua vỏ bình cũ mang về đổ nhớt dỏm vào.
“Nhớt giả rất khó phát hiện, họ đổ nhớt giả vào vỏ xịn nên toàn bộ thông tin trên vỏ là thật nhưng ruột dỏm. Chỉ những người trong nghề mới phát hiện được…” - một chủ tiệm sửa xe ở quận 12 nói.
Thực tế, chúng tôi đến một tiệm sửa xe có treo bảng hiệu của hãng Castrol ở quận Gò Vấp để hỏi cách phân biệt. Chủ tiệm giảng giải: “Nếu là nhớt giả thì khi kiểm tra mã vạch trên bình sẽ không hiện ra, còn vỏ thì làm tinh vi cỡ nào cũng không thể bằng thật, nhìn là biết ngay”. Vừa nói người này vừa dùng điện thoại “thị phạm” bằng việc quét mã vạch trên bình nhớt và các thông số của nhà sản xuất hiện ra đầy đủ.
Chúng tôi mua ba chai nhớt ở tiệm này rồi mang đến đại diện của Công ty Castrol nhờ kiểm tra. Lật đi lật lại rất lâu, người có thẩm quyền ở đây mới phát hiện ra nắp là giả, còn thân bình nhớt là thật. “Hai nắp này là hai cơ sở khác nhau. Riêng về nhớt thì phải kiểm nghiệm mới biết được, còn nhìn bằng mắt chỉ phát hiện ra nắp bị làm giả, vỏ bình thì thật. Riêng nhớt dùng cho xe tay ga thì các đối tượng dùng nắp cũ nên rất khó biết là hàng giả” - đại diện ủy quyền của Công ty Castrol nói.
Chiếc xe bán tải chở các thùng nhớt nghi là nguyên liệu dùng làm nhớt giả bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: HOÀI NAM
Nhớt hiệu Castrol dùng cho xe số và tay ga bị làm giả bán chung giá 75.000 đồng/chai.
Một nhóm người đi mua gom bình nhớt đã sử dụng.
Cảnh giác cao
Cuối giờ chiều một ngày giữa tháng 2, chúng tôi bám theo một người đàn ông vừa giao hai thùng nhớt Castrol cho một tiệm sửa xe có bảng hiệu chính hãng ở quận Gò Vấp.
Sau 30 phút chạy lòng vòng, người đàn ông này dừng xe trước cửa một căn nhà cấp 4 ở khu dân cư Hoàng Hải (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn).
Ngày hôm sau, PV có mặt ở khu vực này và ghi nhận đến gần trưa, một xe bán tải chạy đến, lùi hơn 2/3 thân xe vào căn nhà. Khoảng 15 phút sau, chiếc xe này khởi hành, chạy lòng vòng hàng chục cây số từ Hóc Môn đi theo hướng hương lộ 2 lên quận Tân Phú rồi lại về đường Hồ Văn Long.
Đến khoảng 15 giờ, chiếc xe tiếp tục chạy ra đường Nguyễn Thị Tú rồi quẹo trái vào đường Lại Hùng Cường, sau đó quẹo phải vào đường 6A (thuộc ấp 6, xã Vĩnh Lộc B). Điểm dừng là căn nhà cấp 4, phía sau cỏ mọc um tùm, bên ngoài cổng có hai bảng hiệu ghi xưởng sản xuất của Công ty Dầu khí TL và Công ty TN.
Những ngày tiếp theo, chiếc xe bán tải này vẫn lùi vào căn nhà ở xã Bà Điểm, trước khi lùi vào bên trong, tài xế chạy lòng vòng quanh khu dân cư vài vòng. Khi trở ra có hôm xe chạy thẳng vào một bãi đất trống bên trong có nhiều thùng phuy, có hôm chạy sang khu thị trấn Hóc Môn…
Xác minh nhanh, chiếc xe này thuộc sở hữu của một công ty TNHH có trụ sở ở quận Bình Tân. Ngành nghề kinh doanh “bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy”.
Những ngày sau đó PV tiếp tục bám căn nhà này và phát hiện có nhiều xe máy chạy thẳng vào trong, lúc chạy ra trên xe có một bao tải màu xanh được bọc rất kỹ. Các xe này chạy vài vòng quanh khu dân cư rồi mới tiếp tục lưu thông mang hàng đi bỏ sỉ cho một số tiệm sửa xe ở khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12…
Sau khi ghi nhận, chúng tôi khẳng định căn nhà là nơi làm nhớt giả. Chiếc xe tải có nhiệm vụ chở nhớt đến để cho những người bên trong đóng chai, hoàn thiện các công đoạn cuối cùng mang đi tiêu thụ.
Đang lấy lời khai những người liên quan Ngày 10-4, Đội Quản lý thị trường số 20 tiến hành lấy lời khai ông Nguyễn Ngọc Sanh, tạm trú phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Sanh là chủ cơ sở sản xuất dầu nhớt nghi là giả nhãn hiệu Castrol, Honda, Yamaha và số tem nhãn hiệu Castrol, Honda, Yamaha và hàng ngàn thùng carton in nhãn hiệu này. Đội Quản lý thị trường số 20 cũng yêu cầu chủ xe 51D-292.85 cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan đến 11 thùng dầu nhớt có nhãn hiệu nước ngoài. Số hàng này bị tạm giữ vì đến giao cho cơ sở của ông Sanh trong lúc cơ quan chức năng đang khám xét cơ sở sản xuất nhớt giả. «Hàng hóa nhãn hiệu nước ngoài, khi vận chuyển trên đường phải có hóa đơn, chứng từ nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, không có tem phụ” - một cán bộ trinh sát cho biết. |
______________________________
Bài sau: Nhớt giả tỏa đi khắp nơi và vào cuộc của các trinh sát