Điều tra viên có được gợi ý bị can trả nợ?

Bà Ngô Minh Chiến (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) đang khiếu nại cho rằng bà bị cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ dân sự khiến bà bị khởi tố, bắt giam oan. Bà còn “tố” bị điều tra viên (ĐTV) sốt sắng “gợi ý” bà trả nợ cho người bị hại một cách bất thường (?).

Sắp xếp cho hai bên chốt nợ, tính lãi

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, ngày 24-11-2014, Công an tỉnh Bình Phước khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hai ngày sau, công an bắt tạm giam bà Chiến về tội danh này. Theo cơ quan điều tra (CQĐT), bà Chiến đã lợi dụng chức vụ cán bộ thanh tra Sở Y tế để chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng của người khác.

Điều đáng nói là trước khi bị khởi tố, bà Chiến đã lên làm việc theo giấy triệu tập của cơ quan công an, thừa nhận món nợ cũng như khẳng định việc vay mượn này là quan hệ dân sự, không có sự gian dối và bà không hề có ý định bỏ trốn để thoái thác, né tránh việc trả nợ. Nhưng sau đó công an vẫn khởi tố, bắt tạm giam bà, đến khi phát hiện bà có thai mới cho tại ngoại...

Bà Chiến trình bày trong lần làm việc tại CQĐT tỉnh ngày 17-4-2015, ĐTV H. nói với bà rằng: “Để lần sau tôi bố trí cho gặp ông T. (người bị hại trong vụ án - PV) để hai bên chốt lại và ông T. có tính tiền lời hay không tính lời thế nào rồi tính sau” (trích ghi âm). Theo bà, đây là “sự nhiệt tình quá mức” của ĐTV (?).

Bà Ngô Minh Chiến đang được luật sư tư vấn về vụ án. Ảnh: HY

Tương tự, ông Vũ Xuân Dần (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước về việc bà Trần Thị Búp (mẹ vợ ông) bị bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo ông, công an có nhiều bất thường trong việc bắt giam bà Búp và sốt sắng đòi nợ cho bị hại…

“Sau khi mẹ tôi bị tạm giam, gia đình lên công an huyện xin gặp thì một lãnh đạo công an huyện cho vào gặp. Vị này yêu cầu mẹ tôi phải nói người nhà trả nợ thay thì mới cho nói chuyện. Tuy nhiên, khi gặp mặt, mẹ tôi nói là bị bắt oan và không thể trả nợ cho bà B. thì vị lãnh đạo công an huyện mời cả nhà ra ngoài, không cho nói chuyện. Điều này có phải là để gây áp lực với mẹ tôi và gia đình?” - ông Dần thắc mắc.

Chưa hết, theo ông Dần, trong thời gian bà Búp bị tạm giam, ĐTV tên T. (người thụ lý điều tra vụ án) nhiều lần điện thoại yêu cầu gia đình mang tiền lên trả nợ... Ông Dần cho rằng trong vụ này ĐTV quá sốt sắng, gợi ý những điều bất thường (?).

Chỉ là vận dụng không khéo léo?

Trên đây chỉ là hai vụ điển hình thể hiện việc ĐTV (CQĐT) gợi ý bị can sớm bồi thường, khắc phục hậu quả. Trên thực tế với những án về chiếm đoạt tài sản, chuyện này không phải là hiếm. Có người cho rằng việc ĐTV “hòa giải” như vậy là tốt cho bị can, vì nếu bị can sớm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi tòa lượng hình khi đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, giữa giới hạn của việc giải thích quyền này cho bị can với việc gợi ý gây áp lực là rất mong manh.

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hiện không có quy định pháp luật nào giao quyền cho CQĐT thực hiện việc “hòa giải” giữa người bị hại với bị can về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc CQĐT thực hiện nghiệp vụ để bị can, người thân của bị can trả lại tài sản chiếm đoạt cho bị hại là không trái pháp luật. Bởi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nói cách khác là tình tiết để giảm nhẹ tội cho bị cáo khi xét xử.

Theo LS Công, thực tế có trường hợp ĐTV làm “áp lực” với bị can và gia đình họ, đây chỉ là sự không khéo léo trong hoạt động nghiệp vụ. Bởi khi khởi tố các vụ án về chiếm đoạt như lừa đảo, lạm dụng, trộm cắp… thì thiệt hại vật chất rõ nhất là số tài sản mà bị hại bị mất. Đa số hành vi này khi bị khởi tố là loại tội phạm đã hoàn thành nên dù có trả lại tài sản đã chiếm đoạt thì hành động đó để nhằm khắc phục hậu quả chứ không làm mất đi, xóa đi việc phạm tội, tức không phải vì thế mà CQĐT ban hành quyết định đình chỉ vụ án (trừ trường hợp đặc biệt như thay đổi chính sách xã hội, thay đổi pháp luật mà hành vi đó không còn nguy hiểm nữa).

Điều tra viên không có quyền!

LS Nguyễn Sa Linh, Đoàn LS TP.HCM, phân tích thêm: Khi giải quyết vụ án hình sự, về nguyên tắc tòa án chỉ xem xét trách nhiệm dân sự nếu nguyên đơn dân sự hoặc người bị hại có yêu cầu. Theo quy định tại Điều 10 BLTTHS thì CQĐT, VKS và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ của bị can, bị cáo. Điều 4 Thông tư số 28/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự yêu cầu công an phải tôn trọng nguyên tắc “phát hiện làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ”. Như vậy có thể hiểu ĐTV trong quá trình điều tra vụ án hình sự có trách nhiệm phát hiện làm rõ những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không có quyền hay nghĩa vụ yêu cầu bị cáo hoặc gia đình bị cáo phải thực hiện một công việc cụ thể nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

“Theo điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS thì người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Để đảm bảo nguyên tắc “tự nguyện” này, ĐTV không có quyền, không nên và cũng không được yêu cầu bị cáo hay gia đình bị cáo khắc phục hậu quả cho nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự” - LS Linh nói.

CQĐT chỉ ghi nhận việc bồi thường

BLTTHS không quy định về thủ tục hòa giải mà căn cứ hành vi, lỗi để xác định tội phạm. Việc bị can, bị cáo khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy nếu CQĐT thực hiện việc hòa giải cho đôi bên là không đúng với quy định.

Tuy nhiên, có một số trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại hoặc việc bồi thường có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết tình huống (như chi phí mai táng, điều trị thương tích mà ý chí của người bị hại quan trọng để giải quyết một số loại tội phạm, CQĐT có thể ghi nhận việc bồi thường, khắc phục (không phải hòa giải) từ phía bị cáo. Đồng thời trong một số trường hợp, trước khi khởi tố nếu giữa đôi bên có sự thỏa thuận khắc phục khoản tiền bồi thường mà từ đó dẫn đến việc có quyết định khởi tố hay không thì CQĐT ghi nhận thiện chí từ hai bên. Còn sau khi đã khởi tố thì quyền quyết định cuối là tòa án.

Phải minh định rõ về trách nhiệm, theo đó CQĐT và VKS chỉ ghi nhận việc bồi thường, còn phán quyết cuối vẫn là tòa án, kể cả những tài sản được coi là vật chứng vụ án. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 76 BLTTHS thì việc xử lý vật chứng do CQĐT quyết định - nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra do VKS quyết định - nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố do tòa án hoặc HĐXX quyết định ở giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng CQĐT, VKS xử lý vật chứng trước khi tòaxử...

Thẩm phán Vũ Phi Long,
Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm