Phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo kết quả giám sát án oan và bồi thường cho người bị oan đã thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều diễn biến nổi bật: Viện trưởng VKSND Tối cao xin lỗi người bị oan; chánh án TAND Tối cao cho biết ông Nguyễn Thanh Chấn đồng ý mức bồi thường oan 7,2 tỉ đồng…
Chúng tôi đã trao đổi với bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) - một trong những người đề xuất giám sát chuyên đề oan, sai lần này mà sau đó Quốc hội đã thông qua thành đợt giám sát tối cao của Quốc hội.
Bà Nga nói cuộc giám sát về oan, sai và bồi thường cho người bị oan của Quốc hội (QH) lần này là một bước quan trọng để đánh giá toàn diện vấn đề oan sai, qua đó tìm ra những giải pháp khắc phục.
Án oan sai: Ai cũng day dứt!
. Phóng viên: Ý tưởng về cuộc giám sát này bắt đầu như thế nào, thưa bà?
Ủy ban Tư pháp đề xuất giám sát chuyên đề này ở cấp độ giám sát của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), coi đó là một tổng kết tư pháp hình sự từ khía cạnh mà xã hội đang nhức nhối nhất, làm cơ sở thực tiễn cho xây dựng các luật: Tố tụng hình sự; tạm giữ, tạm giam; tổ chức cơ quan điều tra hình sự... Nhưng không ngờ UBTVQH thấy cần thiết phải đưa lên thành giám sát tối cao của QH và được QH thông qua.
Ủy ban Tư pháp được phân công chủ trì giúp QH. chúng tôi biết chọn chuyên đề này là đúng và trúng nhưng cũng vô cùng lo lắng, chẳng biết có đáp ứng được yêu cầu của QH và kỳ vọng của cử tri hay không. Nhưng sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo QH, sự đồng hành của báo chí, cử tri khiến chúng tôi vững tâm hơn.
. Các cơ quan tư pháp phản ứng thế nào với cuộc giám sát, thưa bà?
+ Thực tình ở góc độ khác nhau thì đâu đó cũng còn băn khoăn, e ngại. Nhưng lãnh đạo các cơ quan tư pháp trung ương đều nghiêm túc chấp hành yêu cầu của QH. Các vị ấy chịu áp lực rất lớn từ nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm nhưng cũng rất day dứt khi trong bộ máy của mình vẫn còn xảy ra những vụ án oan, bức cung, nhục hình khiến dư luận, cử tri bức xúc nên cũng thấy ý nghĩa thiết thực của cuộc giám sát này.
Trần Văn Đở (trái) và Khâu Sóc là hai trong số bảy người bị bắt giam oan ở tỉnh Sóc Trăng nhận tiền bồi thường ngày 14-1-2015. Ảnh: T.VŨ
. Quá trình giám sát có thuận lợi không, thưa bà?
+ Tinh thần của cải cách tư pháp tác động mạnh mẽ đến cuộc giám sát. Chủ tịch nước - trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cùng với Ban Chỉ đạo rất quan tâm đến cuộc giám sát, rất lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đoàn giám sát, thường xuyên cử đại diện tham dự các cuộc họp của đoàn giám sát.
Cuộc giám sát còn nhận được sự phối hợp của nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị như Ban Nội chính Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Luật sư, các đoàn đại biểu QH địa phương, được lan tỏa rộng rãi trên báo chí, được dư luận cử tri quan tâm, ủng hộ. Cuộc giám sát mang tính chuyên sâu nhưng đã được kết hợp nhuần nhuyễn với quá trình sửa các luật về tư pháp hình sự. Nhiều phát hiện, đề xuất từ cuộc giám sát đã được đưa vào các dự thảo luật, trình QH trong kỳ họp này.
Về cơ bản, lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương đều tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi làm việc, cử cán bộ có kinh nghiệm, cầu thị, tâm huyết với sự nghiệp tư pháp đi cùng đoàn giám sát để cùng nghiên cứu hồ sơ những vụ án nổi cộm, phân tích và có quan điểm rõ ràng về từng trường hợp. Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác vào các trại tạm giam hỏi Lê Bá Mai, Huỳnh Văn Nén, Hồ Duy Hải... Nhóm công tác cũng làm việc với một số luật sư, tiếp một số công dân có đơn kêu oan cho bị cáo, làm việc, trao đổi với một số chuyên gia có kiến nghị về một số vụ cụ thể.
Một cách ngẫu nhiên, trong thời gian tiến hành giám sát thì một số vụ việc nghiêm trọng đã được báo chí nêu ra, tạo dư luận thuận lợi cho chúng tôi tiến hành công việc.
Phòng chống oan, sai: Chú trọng công tác cán bộ
. Bà nhận xét thế nào về thái độ của ba ngành tố tụng trung ương trước kết quả giám sát này?
+ Ngày 5-6 vừa qua, trước QH, lãnh đạo ba ngành đều khẳng định cuộc giám sát là cần thiết, đồng tình cơ bản với những đánh giá, kiến nghị của đoàn giám sát. Họ đều trọng thị, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, đều thấy oan sai, bức cung, nhục hình không chỉ gây hậu quả cho người bị oan mà còn làm giảm sút niềm tin của người dân vào Nhà nước, vào cơ quan tố tụng.
Bộ trưởng Bộ Công an ra nghiêm lệnh nghiêm cấm bức cung, nhục hình, sẽ xử lý nghiêm và thực tế vừa qua đã xử lý những điều tra viên, cán bộ công an có sai phạm. Viện trưởng VKSND Tối cao mạnh dạn nhận trách nhiệm, xin lỗi những người bị oan. Chánh án TAND Tối cao cũng bộc bạch án oan tuy ít nhưng để xảy ra như vậy là không chấp nhận được. Và cả ba người đứng đầu các cơ quan tiến hành tố tụng cấp cao đều đưa ra các giải pháp để khắc phục, những giải pháp này là khá khả thi. Vậy là lòng dân, ý QH và quan điểm của lãnh đạo các ngành tố tụng trung ương đã gặp nhau.
. Từ cuộc giám sát này, QH đang bàn dự thảo nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai với nhiều giải pháp cụ thể. Bà có góp ý thêm gì không, thưa bà?
+ Qua giám sát địa phương nhiều án oan, sai thì có dư luận là việc bố trí cán bộ lãnh đạo cơ quan điều tra, điều tra viên chưa thật phù hợp, kiểm sát viên cũng yếu. Có nơi phản ánh có người có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác hộ khẩu, cảnh sát giao thông cũng được bố trí làm điều tra hoặc thủ trưởng cơ quan điều tra. Điều tra hình sự đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên sâu mà lãnh đạo điều tra không chuyên sâu, điều tra viên không chuyên nghiệp thì khó tránh khỏi trọng cung hơn trọng chứng, bức cung, nhục hình. Những phản ánh này nếu là đúng thì cần được nhanh chóng khắc phục.
. Xin cám ơn bà.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu Cuối kỳ họp, lần đầu tiên QH sẽ thảo luận để thông qua nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong dự thảo nghị quyết, QH yêu cầu cơ quan điều tra các cấp áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; phòng ngừa có hiệu quả các trường hợp chết do tự sát, do can phạm đánh nhau tại nơi giam giữ. Quá trình điều tra phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện; khắc phục việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật. “Bộ Công an sớm hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình điều tra các loại án, về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhất là đối với các vụ án giết người, hiếp dâm không quả tang; tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình” - dự thảo nghị quyết nêu rõ. Cạnh đó, QH giao TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm khiếu nại kêu oan, nhất là đơn kêu oan của các bị cáo có mức hình phạt tù 20 năm, tù chung thân, tử hình; nếu có căn cứ pháp luật thì phải xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án có hiệu lực pháp luật, bảo đảm không oan, sai... QH cũng yêu cầu Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao xử lý nghiêm người mắc sai phạm, xem xét trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, trước hết là tại nơi xảy ra một số vụ oan sai nghiêm trọng thời gian qua… Sửa luật liên quan UBTVQH đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS, BLHS, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo đảm phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Về BLTTHS, UBTVQH kiến nghị sửa đổi, bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho việc thu thập, đánh giá, phân tích, sử dụng chứng cứ… Về BLHS, UBTVQH kiến nghị quy định rõ dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một số tội, bổ sung quy định về định lượng và định tính để khắc phục việc khởi tố tràn lan, hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế dẫn đến làm oan người vô tội hoặc hành chính hóa quan hệ hình sự dẫn đến bỏ lọt tội phạm… ĐỨC MINH |