Không nên cứ phạm tội là bắt giam!

Tạm giam, tạm giữ thì phải có căn cứ rõ ràng. “Có các vụ án kinh tế lớn nhưng người ta có trốn đâu. Người ta cũng đã khai báo, điều tra rồi thì tạm giam làm gì. Anh cản trở công tác điều tra, xét xử; anh đi mua chuộc, ép buộc nhân chứng, hủy chứng cứ thì có thể tạm giam. Còn nếu không cản trở, không tiếp tục phạm tội thì theo tôi nghĩ không nên. Bác Hồ từng bảo: “Một ngày ở tù bằng nghìn thu tại ngoại” cơ mà. Một người chưa bị kết án nhưng bị công an giam thì ảnh hưởng đến gia đình, con cái, họ hàng…” - ông Độ nhấn mạnh.

Theo ông Độ, cần phải mở rộng các cơ quan có thẩm quyền điều tra ban đầu theo hướng khi có hành vi vi phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý của mình thì các cơ quan này có quyền xác minh, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án. Tuy nhiên, ông Độ không đồng tình với việc giao quyền khởi tố bị can, hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố cho các cơ quan này. “Được điều tra ban đầu thì anh chỉ được phép lấy lời khai ban đầu của người có liên quan, bảo vệ hiện trường xảy ra, khởi tố vụ án… chứ không được hỏi cung, không được khởi tố bị can, không thể đi sâu vào điều tra vì anh không phải là cơ quan điều tra. Mặt khác, anh cũng không có điều tra viên” - ông Độ nhấn mạnh.

Về công an xã, ông Độ cho rằng cơ quan này chỉ có quyền tạm giữ hành chính người vi phạm và chỉ được phép tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. “Nghĩa là công an xã chỉ được ghi nhận cái khách quan thôi chứ không được mở rộng điều tra rồi xét hỏi, triệu tập, lấy lời khai... Công an xã chỉ là những người bán chuyên trách nên nếu mình cho phép như vậy sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ xâm phạm quyền con người”.

Ông Độ cũng cho rằng ở các nơi hỏi cung của các trại giam giữ hoặc nơi hỏi cung của cơ quan điều tra là địa điểm cố định thì phải có phương tiện kỹ thuật để ghi âm, ghi hình. Đồng thời, ngoài sự có mặt của người bào chữa, sự có mặt của kiểm sát viên với tư cách kiểm sát điều tra cũng rất quan trọng. Khi đã có người thứ ba thì mọi trường hợp điều tra viên bức cung, ép cung, dùng nhục hình… đều rất khó xảy ra, tránh được tình trạng oan sai.

Theo ông Độ, việc kiểm soát chặt hơn hoạt động điều tra sẽ không làm bó tay cơ quan điều tra bởi việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm phải bằng con đường hợp pháp. Cơ quan điều tra, điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác phải chấp hành, chỉ được thực hiện các biện pháp mà pháp luật cho phép chứ không được thực hiện các biện pháp mà pháp luật cấm. Việc dùng mọi biện pháp để đạt được kết quả điều tra là không phù hợp với nhà nước pháp quyền, nguyên tắc pháp chế trong hoạt động tố tụng hình sự, có thể động chạm rất lớn đến quyền con người.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm