Người dân xứ cù lao Phú Thuận của huyện biên giới Hồng Ngự, Đồng Tháp vẫn đang bàn tán xôn xao về việc người thanh niên hiền lành, tốt bụng tên Nguyễn Khanh bị công an bắt giải về Bình Thuận để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản. Trước đó, người dân nơi đây và cả vợ của anh ta đều không thể ngờ Nguyễn Khanh chính là Nguyễn Thọ, nghi can số một trong vụ bà Lê Thị Bông ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận bị sát hại, vụ án khiến ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan 17 năm năm tháng năm ngày.
Khi bị bắt, ai cũng bất ngờ
Để đến được nơi ở cuối cùng của nghi can Nguyễn Thọ, chúng tôi phải vượt qua quãng đường hàng trăm kilomet từ TP Cần Thơ đến huyện biên giới Hồng Ngự, Đồng Tháp. Từ trung tâm huyện lỵ phải qua thêm hai chuyến đò ngang chúng tôi mới đặt chân lên đất cù lao Phú Thuận (gồm hai xã Phú Thuận A và Phú Thuận B). Nơi đây được xem là vùng đất thanh bình, yên ả nhất của huyện Hồng Ngự vì nằm ven sông Tiền lộng gió. Người dân ở đây rất hiền lành và mến khách, mỗi khi có người lạ đến là họ đều hết lòng giúp đỡ.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Văn Ngời, Trưởng ấp Phú Hòa B, xã Phú Thuận A, cho biết ông chưa nghe ai nói đến chuyện ở đây có người thanh niên nào tên Nguyễn Thọ vừa bị bắt giữ cách đây không lâu. Chỉ có trường hợp anh Nguyễn Khanh là con rể của bà Bảy Nhỉ là mới bị bắt đưa về quê ở Bình Thuận sau khi lấy vợ được chừng 7-8 tháng.
Để kiểm chứng lại thông tin này, ông Ngời nhấc điện thoại lên gọi về Công an xã Phú Thuận A thì mới hay người thanh niên tên Khanh ấy đích thực là Nguyễn Thọ.
Cũng theo ông Ngời, như vậy thông tin về việc Nguyễn Thọ đến đây sinh sống đã hơn 10 năm và đã đến cơ quan công an để đầu thú về hành vi giết người, cướp tài sản là không chính xác.
Theo lời ông Ngời, cách nay khoảng 10 tháng, Nguyễn Khanh (tức Thọ) từ Kiên Giang đến đây sinh sống và lấy chị NTP (ngụ ấp Phú Hòa B, xã Phú Thuận A) làm vợ. Do gia đình chị P. khó khăn nên hôn lễ giữa hai người cũng chỉ là mâm cơm để gọi là ra mắt ông bà. Kể từ đó đến nay, dân địa phương thấy người thanh niên này rất chăm chỉ làm ăn và thường giúp đỡ những người xung quanh trong những công việc nặng nhọc.
“Thấy nó hiền lành và chịu khó làm ăn nên chính quyền địa phương chúng tôi cũng không cần thiết phải kiểm tra giấy tờ tùy thân làm gì. Thế nhưng vào khoảng 17 giờ ngày 10-10, trong lúc nó đang làm phụ hồ tại tuyến dân cư thì bị lực lượng công an bắt giữ. Khi nó bị bắt, bà con nơi đây ai nấy đều bất ngờ” - ông Ngời kể.
Nguyễn Thọ trong ngày cưới. Ảnh: THẤT SƠN
Chị P. và mẹ già luôn cầu mong Thọ được giảm án để sớm trở lại với gia đình. Ảnh: THẤT SƠN
Chồng tốt, rể hiền
Ông Ngời cho biết gia đình chị P. là hộ nghèo, hiện nay cuộc sống rất khó khăn, hằng ngày chị P. phải đi giậm lúa, làm cỏ thuê để nuôi mẹ già. “Cứ tưởng con nhỏ có tấm chồng để cùng nhau gồng gánh chăm lo mẹ già, gầy dựng chuyện làm ăn, ai dè giờ nên cảnh này, ai cũng thương con P.” - ông Ngời chép miệng.
Ghé nhà chị P., chúng tôi thật sự xót xa khi nhìn thấy chị cùng mẹ già là bà Ngô Thị Nhỉ (78 tuổi) ngồi rầu rầu trong căn nhà xập xệ dưới cái nóng hừng hực.
Theo lời kể của chị P., khoảng sáu năm trước, người bác của chị là ông Sáu Giàu có đi thuê đất đào vuông nuôi tôm ở vùng ven biển thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Giang. Ông Sáu Giàu cũng không biết Nguyễn Khanh đến đây từ khi nào mà chỉ biết đây là một thanh niên biết chịu thương, chịu khó. Ai thuê làm gì Khanh cũng nhận làm, bất kể ngày đêm. Chính vì lý do đó mà ông Sáu Giàu muốn Khanh trở thành cháu rể của mình. Thế nhưng mãi đến đầu năm 2015, ông Sáu Giàu mới quyết định đưa Khanh về “coi mắt” đứa cháu gái đã lớn tuổi nhưng chưa lấy chồng vì còn bận lo cho người mẹ già yếu.
“Từ trước tới giờ tôi đâu chịu lấy chồng vì nếu làm vậy thì mẹ già ở nhà không có ai lo. Ba chị em gái tôi đều có gia đình nhưng ai cũng nghèo khó nên không thể giúp gì cho mẹ. Tôi ưng (chịu) cưới anh vì gặp mặt nhau và trò chuyện thấy anh hiền lành như lời ông bác nói. Sự thật thì sau khi cưới nhau, anh ấy chỉ biết lo làm ăn và rất được mọi người trong xóm thương yêu. Mẹ tôi cũng rất thương anh vì tối bữa nào anh cũng thoa dầu rồi bóp tay, bóp chân cho bà như mẹ ruột của mình. Bởi vậy mà suốt gần hai tháng nay, mỗi khi có ai hỏi đến chuyện anh Khanh là bà cứ khóc sướt mướt. Tôi chỉ hy vọng anh ấy sẽ được giảm án để sớm mãn hạn tù về đoàn tụ với gia đình” - chị P. nghẹn ngào.
“Nó đã biết ăn năn, hối cải”
Chị P. vừa dứt lời thì bà Ngô Thị Nhỉ bật khóc nức nở xót thương cho người con rể của mình. Thấy vậy nhiều người trong xóm đang ngồi gần đó cũng không cầm được nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Đẹp nói mà nước mắt rơm rớm: “Bà con ở đây thấy con P. có được người chồng quá xứng đáng. Nó chỉ biết lo làm ăn chứ không hề tham gia hoặc rủ rê ai nhậu nhẹt. Nhiều lúc thấy người ta đang khuân vác đồ nặng thì nó chạy nhanh tới phụ một tay. Tuy tôi không có bà con dòng họ với gia đình P. nhưng cũng hy vọng cho thằng chồng nó được giảm án vì dường như nó đã biết ăn năn, hối cải và muốn làm lại cuộc đời ở vùng đất xa xôi, hẻo lánh này”.
Bà Nguyễn Thị Lịch, hàng xóm với bà Nhỉ, góp chuyện: “Thời gian ở đây, chồng con P. hiền như cục đất hà. Nó hổng xích mích, gây chuyện gì với ai”.
Ông Sáu Giàu, người dắt Nguyễn Khanh (tức Thọ) về mai mối để nên vợ nên chồng với chị P., kể: “Tôi thuê đất ở Kiên Lương để nuôi tôm nên gặp nó và thành quen thân. Nó tâm sự mồ côi từ nhỏ nên phiêu bạt rày đây mai đó để kiếm sống. Nhiều lần tâm sự, nó bày tỏ muốn kiếm vợ để sớm có chỗ ở ổn định, kết thúc đời phiêu bạt nhưng nghĩ cảnh nghèo lại mồ côi nên nó chưa dám. Thấy nó hiền lành, siêng năng nên tui để ý thêm tánh nết rồi mới dẫn nó về Hồng Ngự mai mối cho con P. Khi nó bị bắt, tui được công an mời làm việc thì mới té ngửa thằng nhỏ dính tới vụ án giết người”.
Ông Lê Hữu Nhàn - Phó Trưởng Công an xã Phú Thuận A (Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết Nguyễn Thọ (tức Nguyễn Khanh, tên mà Thọ dùng khi sống ở địa phương) chưa đăng ký tạm trú. “Thời gian sống ở đây Thọ không vi phạm pháp luật gì. |