Ngày 5-6, lần đầu tiên Quốc hội (QH) đã có phiên thảo luận toàn thể về báo cáo giám sát một chủ đề khá nhạy cảm, tế nhị: Oan, sai trong tố tụng hình sự. Phiên họp này đã không truyền hình trực tiếp như dự kiến ban đầu.
Trong phần giải trình trước QH, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói: “Tôi xin lỗi những người bị oan, sai”. Theo ông Bình, sau khi phát hiện các vụ án oan, sai, VKSND và các ngành tư pháp đã xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan, từ điều tra viên đến kiểm sát viên và thẩm phán.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói: “Khi có một vụ oan, sai xảy ra, bản thân tôi cũng đau như nỗi đau của người bị oan, sai và gia đình của họ”.
Oan, sai làm mất uy tín ngành công an
Phiên thảo luận chuyên đề này có 22 đại biểu (ĐB) đăng đàn, trong đó có khá nhiều ý kiến từ ngành công an hoặc từng có thời gian gắn bó với ngành. Tất cả đều thừa nhận những đánh giá của đoàn giám sát là chính xác, trong đó một phần nhiều nguyên nhân dẫn tới oan, sai bắt đầu từ cơ quan điều tra.
Thiếu tướng Phạm Trường Dân, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đánh giá 71 trường hợp được kết luận là oan so với tổng số hơn 338.000 bị can được khởi tố trong ba năm 2011-2014 thì chỉ là cá biệt, tuy nhiên điều đó gây hậu quả đau xót cho người bị oan cùng gia đình họ. Với công an, những vụ cá biệt đó còn làm mất uy tín cho ngành.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Tôi xin lỗi những người bị oan, sai”. Ảnh: TTXVN
Cũng thừa nhận giám sát của QH là đúng và trúng nhưng Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Nam đề nghị báo cáo giám sát “cần nêu bật hơn” những nỗ lực của các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có cơ quan điều tra trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bởi “tỉ lệ thấp 0,02% án oan như vậy cũng đồng nghĩa hàng trăm ngàn nạn nhân các vụ án hình sự khác tìm được công lý”. Mặt khác khi phân tích, đánh giá, kết luận về oan, sai trong tố tụng hình sự thì cần đúng mức để những người thực thi pháp luật không vì thế mà chùn tay, bỏ lọt tội phạm.
“Đừng đổ do trình độ”
Nhưng nhiều ĐB lại có quan điểm khác. ĐB Đỗ Mạnh Hùng, người trực tiếp tham gia đoàn giám sát, cho rằng mổ xẻ những nguyên nhân, trách nhiệm dẫn tới oan, sai không vì thế mà làm cho người dân giảm đi niềm tin vào lực lượng công an đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, bảo vệ trật tự trị an. “Qua giám sát, cắt nghĩa được tại sao cùng một khuôn khổ pháp lý, cùng một vụ án, một bị cáo mà các phiên tòa lại đưa ra các bản án khác nhau”. Ông Hùng nói và dẫn ví dụ vụ án Lê Bá Mai qua nhiều cấp, nhiều vòng xét xử với kết quả hai lần tuyên tử hình, một lần tuyên không phạm tội và hai lần tuyên chung thân.
Cũng theo ông Hùng, giám sát cho thấy trách nhiệm và chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, kháng cáo trong án hình sự là có vấn đề. Điều này thấy rõ trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, gia đình và bản thân ông Chấn nhiều năm trời kêu oan nhưng từ cấp tỉnh đến trung ương đều một mực khẳng định điều tra, xét xử đúng. Phải tới khi gia đình phát hiện dấu vết hung thủ thực sự và thuyết phục ra đầu thú thì ông Chấn mới được minh oan.
Trách nhiệm ấy cũng được đặt ra trong vụ nhục hình mà ĐB Hùng nhấn mạnh hai lần chữ “nghiêm trọng” liên quan đến nạn nhân là bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga. Nữ bị can này đã nhiều lần đâm đơn tố cáo lên công an, VKS nhưng đều bị bác bỏ. Phải tới khi chị tự cung cấp thêm bốn nhân chứng thì Bộ Công an mới vào cuộc, dẫn tới khởi tố các điều tra viên tỉnh Bắc Giang về những hành vi mà nêu ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người chiến sĩ công an.
“Yếu kém về năng lực, trình độ, chưa thường xuyên, kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật” là một trong nhiều nguyên nhân mà báo cáo giám sát nêu ra. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền - người từng nhiều năm công tác trong ngành kiểm sát ở Lâm Đồng - oan, sai giờ không nên đổ cho trình độ nữa. “VKS, tòa án giờ đều đã có trường ĐH chuyên ngành, cán bộ đều đã được chuẩn hóa, điều tra viên đều ĐH cả. Đừng nói mãi nguyên nhân khách quan. Cứ nói là thiếu luật sư nhưng các vụ mà báo cáo nêu ra đều có luật sư hết, vấn đề là có nghe không”. ĐB Thuyền nêu ý kiến và kết luận: “Cán bộ tố tụng phải có trái tim nhiệt huyết nhưng đầu phải lạnh và bàn tay phải sạch!”.
Hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan, sai
ĐB Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Thường vụ QH trong cố gắng nắm bắt tình hình oan, sai. Ông nhận xét báo cáo của đoàn giám sát, qua một bước hoàn chỉnh ở Ủy ban Thường vụ QH đã đánh giá khá đầy đủ tình hình. Tuy nhiên, đó vẫn là tình hình chủ yếu dựa trên báo cáo của các cơ quan tố tụng - đối tượng của giám sát. Vậy nên về lâu dài, hoạt động giám sát cần có thêm nguồn độc lập.
“Theo tôi, tình trạng oan, sai hiện nay là nghiêm trọng. Hệ thống tố tụng không tự phát hiện mà là từ chính người bị oan. Nó giống như lỗi của hệ thống báo cháy. Vậy phải chăng những gì phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng?” - ông Nghĩa đặt vấn đề.
Ông Nghĩa cũng cho rằng hệ thống kiểm tra chéo giữa ba ngành tố tụng chưa hiệu quả, vẫn còn nể nang, du di cho nhau, kiểu “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”. Chưa kể hiện vẫn còn tình trạng “ba bộ đồng tình” theo cách họp thống nhất án trước khi xét xử làm vô hiệu hoạt động kiểm sát, tranh tụng. Vụ Hồ Duy Hải là ví dụ điển hình cho việc vô trách nhiệm. Trọng án giết hai mạng người lẽ ra phải được điều tra cẩn trọng, chặt chẽ nhưng hồ sơ lại thiếu hẳn vật chứng, dấu vân tay - mặc dù hiện trường còn nguyên, hoàn toàn thuận lợi cho khám nghiệm.
Theo ông Nghĩa, các vụ án oan, sai, bức cung, nhục hình cho thấy một bộ phận cán bộ tư pháp suy thoái đạo đức công vụ, vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với nghi can đến mức bất chấp các quyền hợp pháp của họ. Trong tư duy ấy, điều tra viên có xu hướng lạm dụng nhục hình, với quan điểm nhục hình là cần thiết, từ đó làm ngơ, thậm chí bao che hành vi sai trái của đồng nghiệp…
Ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường oan 7,2 tỉ đồng Báo cáo trước QH, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết qua thương lượng, ông Nguyễn Thanh Chấn đã đồng ý mức bồi thường oan 7,2 tỉ đồng. Trước đó, ông Chấn yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hà Nội bồi thường 9,3 tỉ đồng cho 10 năm ngồi tù oan. |