ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói, cần làm rõ trách nhiệm để xảy ra tự sát, đánh nhau trong trại. Bởi biết đâu họ bị oan sai mà tự sát. LÊ PHI.
Đó là ý kiến củaĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) trong buổi thảo luận tại hội trường sáng nay 5-6 về tình hình oan, sai.
Cho rằng vấn đề oai sai là nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội, ĐB Nguyễn Thị Khá nói:
“Người ta vẫn nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, tại sao oan sai kéo dài nhưng bây giờ mới được phát hiện. Trên thực tế không biết có bao nhiêu vụ oan sai nữa chưa được phát hiện. Oan sai chỉ đền bù bằng tiền nhưng có những mất mát không bao giờ đền bù được. Trong số vụ tự sát ai biết có bao nhiêu vụ oan sai”.Cũng theo ĐB Khá, ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì những người làm oan sai có đền bù gì không. Thủ trưởng có điều tra viên làm oan sai thì có trách nhiệm gì không? “Tôi cũng đề nghị VKSND cho biết có bao nhiêu vụ oan sai là do trình độ yếu kém của kiểm sát viên. Trách nhiệm của TAND ra sao. Bởi nguyên nhân oan sai của tòa án là do trình độ năng lực của một số thẩm phán hạn chế, còn tiêu cực, đạo đức thấp thậm chí còn cố ý ra bản án sai lệch”, ĐB Khá thẳng thắn đề cập.
ĐB Khá cho rằng, khi oan sai thì phải bồi thường xác đáng, cần làm rõ trách nhiệm để xảy ra tự sát, đánh nhau trong trại. "bởi biết đâu họ bị oan sai mà tự sát".
ĐB Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho hay, chỉ nói đến hạn chế yếu kém là chưa công bằng. LÊ PHI
Cũng về oan sai, ĐB Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới chỉ nói tới yếu kém, hạn chế dẫn đến oan sai chứ chưa nói được thành tích của cơ quan chức năng. Báo cáo nên phân biệt rõ oan và sai và đưa ra những dẫn chứng. Bởi mới chỉ có phát hiện các vụ oan sai cách đây mấy chục năm. “So với các nước thì tỉ lệ oan sai của nước ta không nhiều, nhưng dù ít cũng cần phải có giải pháp để hạn chế, khắc phục”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.
ĐBQH, Thiếu Tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an Hà Nội) cũng cho rằng, báo cáo giám sát cần làm rõ hơn về việc bắt tạm giữ hình sự rồi chuyển sang xử lý hành chính (2,3% người bị tạm giữ). “Bởi bắt giữ hình sự rồi chuyển sang hành chính là cần thiết, việc tiến hành tạm giữ để xác minh là đúng quy định. Bởi rất nhiều vụ việc từng xảy ra trong thực tế cần phải sử dụng đến hình thức tạm giữ này”, Thiếu tướng Chung nói.