Đại biểu Đỗ Văn Đương
Đó là một quy định tiến bộ, nhân văn
Đã có hàng trăm ý kiến phản đối đại biểu Đương và cho rằng ông Đương đã “nâng quan điểm” khi cho rằng công nhận quyền im lặng là “chống lại nhân dân”, là “diễn biến hòa bình”. Bạn Lê Văn Sơn giải thích “Đại biểu cần phân biệt được giữa hai khái niệm: Diễn biến hòa bình thuộc lĩnh vực chiến lược hoạch định chính sách chiến tranh, còn quyền im lặng là quyền cơ bản của công dân khi chưa có điều kiện đảm bảo đầy đủ các bước thủ tục pháp lí để nói ra”.
Hầu hết các ý kiến gửi về đều có chung quan điểm: quy định Quyền im lặng của bị can là một điều Luật tiến bộ, nhân văn, đề cao quyền con người và đã được các nước trên thế giới áp dụng nhằm chống oan sai, bức cung, nhục hình. Các bạn đọc cho rằng đây là xu thế tất yếu của xã hội tiến bộ, nó không những là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động của cơ quan điều tra trở nên tích cực hơn mà còn đòi hỏi các điều tra viên phải là người thực sự có nghiệp vụ và năng lực trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ, chứ không phải chỉ biết tra tấn và bức cung buộc nghi phạm phải chấp nhận những điều buộc tội.
Bạn đọc Trần Hùng viết: “Đại biểu nặng lời quá. Nếu phạm tội cho dù im lặng như thế nào vẫn bị xử lý thôi. Dấu vân tay để làm gì, tang chứng, vật chứng, nhân chứng, nghiệp vụ để làm gì mà sợ quyền im lặng? Chỉ im lặng không nhận tội, hay khi có luật sư, chứ đâu phải im lặng đến khi ra tòa đâu, theo tôi chúng ta đã nghiêm trọng hóa vấn đề. Cho tôi nói một lời thôi “sao cái gì cũng phản đối hết vậy, còn hướng giải quyết khác thì không có?”, ghi âm, ghi hình cũng không, lập biên bản sức khỏe trước khi đưa về cơ quan điều tra cũng không, quyền im lặng cũng không. “Chống lại nhân dân”, tôi cứ tưởng mình đọc nhầm”.
“Mục 1 điều 31 Hiến Pháp quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy bị can hay bị cáo vẫn có quyền công dân, có quyền con người tức họ có quyền im lặng. Họ không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội đúng như quy định tại điều 10 Bộ luật TTHS: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Không quy định quyền im lặng mới là vi phạm hiến pháp, vi phạm quyền con người” bạn có nick CuongEuro nêu dẫn chứng. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình.
Một buổi hỏi cung thông thường. Ảnh minh họa
Bạn Sông Quê cũng đồng quan điểm: Quyền im lặng là thể hiện sự tiến bộ của bộ luật TTHS, thể hiện quyền công dân. Cơ quan chấp pháp phải chứng minh được người có tội bằng trình độ và khả năng nghiệp vụ của mình chứ không phải dùng nhục hình, bức cung, mớm cung với tội nhân như đã từng xảy ra rất nhiều. Như vậy sẽ tránh được những vụ như Nguyễn Thanh Chấn… Quyền này, các nước họ đã áp dụng từ lâu rồi và chả nước nào mà cho phép tội nhân im lặng mà xảy ra "diễn tiến hòa bình và chống lại nhân dân" cả hỡi nghị Đương! Tôi ủng hộ Luật im lặng!".
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt giam oan hơn 10 năm và là vụ án gây chấn động dư luận vì mức độ bức cung, nhục hình tàn nhẫn
“Tôi không đồng tình với quan điểm này của ĐB Đương. Vì pháp luật đã có quy định thực hiện nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI (công an, VKS và tòa án phải chứng minh có tội). Theo quy định này, phải được hiểu là người bị bắt giam không buộc phải nhận tội, không buộc phải khai khi bị bắt; việc người bị bắt giam "hợp tác" với các cơ quan tố tụng bằng cách IM LẶNG là QUYỀN của công dân, quyền này cần được hiến định” Bạn Quang Sơn bày tỏ.
Luật sư Nông Văn Dự thì lại cho rằng “Ông Đương đã quá nghiêng về bảo vệ lợi ích cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Tư duy như Ông Đương là rất nguy hiểm, theo kiểu thà giết nhầm hơn bỏ sót. Đề nghị các đại biểu sáng suốt lựa chọn theo phương án mà nhiều nước tiến bộ đã áp dụng”.
Tuy nhiên, không phải tất cả ý kiến bạn đọc đều phản đối đại biểu Đương. Cũng có rất nhiều bạn nêu quan điểm ủng hộ phát biểu này và các ý kiến cũng có những lý lẽ khá thuyết phục. (Xin xem tiếp: