Viện trưởng VKSND tối cao: 'Tôi xin lỗi những người bị oan'

Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, sau khi phát hiện các vụ án oan sai, VKSND và các ngành tư pháp đã xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan kể cả điều tra viên, kiểm sát viên và cả thẩm phán tòa án.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi có một vụ oan sai xảy ra, bản thân ông cũng đau như nỗi đau mà người bị oan sai cũng như gia đình của họ.

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho hay, báo cáo đã tổng hợp và đánh giá khá đầy đủ tình hình. Tuy nhiên, sắp tới, đề nghị có những phương thức giám sát có thêm những nguồn độc lập, khách quan hơn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Chống oan sai đòi hỏi phải được giải quyết căn cơ, do đó cần có giải pháp chiến lược lâu dài, gồm 3 thành tố sau đây: Giảm oan sai nằm chung trong nỗ lực giảm tội phạm nói chung (nghĩa là làm cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo, cải thiện hệ thống giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội và gia đình trong giáo dục đạo đức công dân ); Nâng cao năng lực, đạo đức của các cơ quan tiến hành tố tụng; Hoàn thiện luật pháp và cơ chế bảo đảm thực chất quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và người bào chữa”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng phát biểu: Tình hình oan sai trong tố tụng hình sự hiện nay, theo tôi, là nghiêm trọng.

Nổi lên những vấn nạn đáng lưu ý sau đây: Hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai (giống như lỗi của hệ thống báo cháy, tuy nhiên có điểm khác là khi bị cháy thì không phải cơ quan tiến hành tố tụng, mà người tạm giữ, tạm giam bị cháy).

“Chính vì vậy có câu hỏi là: phải chăng những vụ việc phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng; chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại; nhiều luật sư phản ánh, các bị can, bị cáo cho biết tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình, tương tự như các vụ đã phát hiện, diễn ra không cá biệt, ở nhiều mức độ”, ĐB Nghĩa nói.

Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, hệ thống kiểm tra chéo giữa 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án hiệu lực không cao, có tình trạng nể nang, du di nhau, “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”; tình trạng “3 bộ đồng tình” bằng những cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm sát, việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu. Tồn tại quan điểm và thói quen “suy đoán có tội”, dấu ấn của tư duy “địch ta” thời chiến.

Bên cạnh đó, có tình trạng “trọng cung hơn trọng chứng”, “lấy cung thay chứng”, bị cáo đã nhận tội rồi thì có thể kết thúc vụ án, không cần đầu tư thu thập chứng cứ nữa (vụ Hồ Duy Hải là điển hình: tội phạm diễn ra trong đêm, sáng ra điều tra viên đến lập biên bản, hiện trường còn nguyên, các vật chứng còn nguyên, nhưng khi đưa ra xét xử thì các vật chứng quan trọng nhất như hung khí lại bị mất, bị thay thế; giám định dấu tay thì không có dấu tay bị cáo; có biểu hiện ngoại phạm; khi xét xử thì chủ yếu dựa vào bản cung và lời khai của nhân chứng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm