Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25-3 có bài “Ngâm án vì khó kết tội” phản ánh chuyện bà Tiêu Thị Sự (Bù Đăng, Bình Phước) gần 10 năm qua phải mang thân phận bị can. Bà Sự đã yêu cầu cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và bồi thường oan cho bà vì cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội của bà và thời hạn điều tra đã hết.
Mới đây, cơ quan điều tra (CQĐT) huyện Bù Đăng đã đình chỉ điều tra bà Sự nhưng lại vẫn nói bà có tội.
Chứng cứ kết tội chưa rõ
Tháng 9-2006, bà Sự cùng bốn người khác bị khởi tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của Công ty Gia Phát và Công ty Phú Riềng, với tổng thiệt hại hơn 1 triệu đồng. Bà Sự kêu oan ngay từ khi bị bắt (bà bị giam 10 tháng), đến tháng 5-2007 TAND huyện Bù Đăng xử phạt bà 10 tháng tù giam. Bà Sự kháng cáo kêu oan.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước nhận định chứng cứ kết tội bà Sự chưa rõ, lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Theo tòa, việc kết tội của tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào những lời khai buộc tội nhưng những lời khai này mâu thuẫn nhau (có người khẳng định bà Sự có mặt trong đám đông đập phá nhưng mô tả nhân dạng thì không phải đặc điểm của bà Sự, có người thừa nhận đã nhầm lẫn bà Sự với người khác…). Những lời khai chứng minh bà ngoại phạm lại không được tòa xem xét. hình ảnh chụp tại hiện trường được sử dụng làm chứng cứ buộc tội nhưng những người cùng ấp được cho nhận dạng đều khẳng định trong ảnh không có bà Sự.
Ngoài ra thiệt hại chưa được tính toán chính xác để từ đó xem xét có đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay không (thời điểm này, Điều 143 BLHS quy định bị xử lý hình sự nếu cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị từ 500.000 đồng trở lên. Các bị cáo, có người chỉ đập phá tài sản của Công ty Gia Phát, có người chỉ đập phá tài sản của Công ty Phú Riềng. Không rõ thiệt hại của từng công ty là trên hay dưới 500.000 đồng trong tổng thiệt hại hơn 1 triệu đồng).
Từ đó tòa phúc thẩm đã hủy phần hình phạt đối với bà Sự để điều tra lại (và y án đối với các bị cáo khác).
Bà Tiêu Thị Sự: “Viện dẫn của Công an huyện Bù Đăng để đình chỉ điều tra là nhằm né bồi thường oan cho tôi”. Ảnh: PL
Viện kêu đình chỉ, tòa hủy án
Tháng 12-2008, TAND huyện Bù Đăng xét xử sơ thẩm lần hai vẫn phạt bà Sự 10 tháng tù, đúng bằng thời gian bà bị tạm giam. Bà Sự tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Đến tháng 9-2010, tại phiên phúc thẩm lần hai, đại diện VKSND tỉnh đề nghị TAND tỉnh áp dụng Nghị quyết số 33/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với bà Sự vì thiệt hại về tài sản dưới 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, TAND tỉnh không chấp nhận đề nghị này mà tiếp tục hủy án sơ thẩm lần thứ hai.
Theo tòa, quá trình điều tra vụ án có nhiều sai sót, chưa đầy đủ. Tại hiện trường, CQĐT thu giữ những tấm bạt rách nhưng không đưa vào biên bản, sau đó các tấm bạt này lại xuất hiện trong biên bản định giá tài sản thiệt hại, việc định giá không chính xác. CQĐT không thực nghiệm điều tra tại hiện trường vụ án mà tại… sân vận động Bù Đăng. Chưa kể, các lời khai trong hồ sơ có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ…
Ngoài ra tòa còn kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét lại bản án sơ và phúc thẩm lần một (phúc thẩm lần một nhận định án sơ thẩm lần một có vi phạm tố tụng nghiêm trọng, lẽ ra phải hủy hết bản án nhưng lại chỉ hủy phần án đối với bà Sự).
Và đình chỉ kiểu né bồi thường oan
Từ khi cấp phúc thẩm hủy án đến nay, CQĐt không hề điều tra lại gì cả. Bà Sự vẫn cứ đeo mãi thân phận bị can.
Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, ngày 28-3, CQĐT Công an huyện Bù Đăng ra kết luận điều tra. Kết quả điều tra lại khẳng định hành vi đập phá của bà Sự và bốn người khác đã phạm vào tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, theo CQĐT thì “căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS, xét thấy hành vi của bà Sự là ít nghiêm trọng, hiện nay không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Đồng thời căn cứ vào điểm 5 khoản c Điều 2 Nghị quyết 33/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS thì giá trị tài sản bị thiệt hại chưa đến mức phải xử lý hình sự”.
Cùng ngày 28-3, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can đối với bà Sự.
CQĐT cũng khẳng định sở dĩ án bị ngâm hơn bốn năm mới tiến hành điều tra lại là do lỗi ở tòa. “Ngày 9-9-2010, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy án nhưng lại để quên hồ sơ và không giao lại cho cấp sơ thẩm để điều tra theo thủ tục chung. Đến ngày 26-12-2014, tòa tỉnh mới bàn giao hồ sơ cho VKSND huyện Bù Đăng. Ba ngày sau, VKS chuyển cho CQĐT” - CQĐT giải thích.
Chiều 5-5, bà Sự đã gửi đơn khiếu nại quyết định đình chỉ này.
Tôi không đập phá, sao bảo tôi có tội? Tòa phúc thẩm lần hai không chấp nhận đề nghị đình chỉ theo Nghị quyết 33, đồng thời kiến nghị xem xét lại hai bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm lần một theo thủ tục giám đốc thẩm. Điều này có nghĩa không kết luận được tôi đã tham gia đập phá. Kết luận điều tra mới nhắc lại lời khai của những người đã được tòa Bù Đăng sử dụng làm chứng cứ để kết tội tôi. Tuy nhiên, bản án của tòa Bù Đăng đã bị phủ định bởi bản án phúc thẩm. Nay kết quả điều tra lại vẫn sử dụng lời khai mâu thuẫn của các nhân chứng để quy kết tôi có đập phá (thừa nhận nhầm lẫn giữa tôi với người phụ nữ khác; khai tôi có tham gia nhưng mô tả đặc điểm nhân dạng lại không đúng với nhân dạng của tôi). Tôi không tham gia đập phá nhưng lại bị bắt giam rồi kết án 10 tháng tù. Nay CQĐT không chứng minh được tôi có tham gia đập phá nhưng lại viện dẫn khoản 1 Điều 25 BLHS và Nghị quyết 33 để đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với tôi là không đúng, là né bồi thường oan cho tôi. Bà TIÊU THỊ SỰ |