Định danh cuộc gọi để ngăn chặn lừa đảo

(PLO)- Định danh cuộc gọi giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày 27-10, tất cả số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT nhắn tin và gọi đến người dân sẽ đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Giải pháp này sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Nhiều cuộc gọi lừa đảo từ thuê bao cố định

Anh Trần Văn Hưng (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thời gian gần đây anh liên tục nhận được nhiều cuộc gọi rác gọi đến để chào mua sản phẩm, lừa đảo từ những số điện thoại cố định.

dinh danh cuoc goi
Nhiều vụ lừa đảo xảy ra hiện nay xuất phát từ tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Ảnh: HUỲNH THƠ

Theo anh Hưng, hầu như ngày nào anh cũng nhận được ít nhất hai cuộc gọi đến từ những đầu số cố định với dãy số như 028, 029, 0276... Tất cả số điện thoại gọi đến đa phần là gọi điện thoại làm phiền hoặc lừa đảo trúng thưởng. Anh chặn số này thì số khác gọi đến, đặc biệt những cuộc gọi này thường xuất hiện vào giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối.

“Theo tôi, sở dĩ tình trạng lừa đảo trên không gian mạng vẫn còn tiếp diễn do hai nguyên nhân. Thứ nhất, nạn nhân bị lừa không lên tiếng và dễ dàng bỏ qua hành vi sai phạm của người khác. Thứ hai, có thể trong một số trường hợp cơ quan chức năng chưa quyết liệt trong việc truy tìm người phạm tội. Vì thế, để hạn chế tình trạng lừa đảo này cần có sự lên tiếng của nạn nhân và sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng. Đồng thời, việc định danh cuộc gọi cũng là cách để người dân phòng ngừa những cuộc gọi lừa đảo ngay từ đầu” - anh Hưng nêu ý kiến.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết chị từng suýt trở thành nạn nhân của những cuộc gọi lừa đảo từ thuê bao cố định.

Anh2_Cuoc-goi-dinh-danh_6-11.jpg
Định danh cuộc gọi giúp người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo.
Ảnh: MINH HOÀNG

Chị Hà kể: Ngày 3-11, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02998883xxx, người gọi xưng là nhân viên của một sàn thương mại điện tử, gọi thông báo chị là người may mắn được nhận phần quà của sàn thương mại điện tử này.

Để tránh bị nghi là lừa đảo, người này còn thông báo “nhận quà này không cần phải trả thêm phí, chỉ cần kết bạn qua Zalo và làm theo hướng dẫn”. Vừa tắt điện thoại, chị đã nhận lời mời kết bạn qua Zalo từ một tài khoản tên ngananh. Tài khoản này gửi nhiều đường link lạ và hướng dẫn chị nhấn vào để xác nhận chị sẽ nhận quà. Vì sợ bị mất tiền trong tài khoản nên chị Hà đã chặn tài khoản này.

Nếu nhận được cuộc gọi không mong muốn, người dân hãy kiểm chứng bằng cách liên hệ trực tiếp với các cơ quan, đơn vị, người có liên quan.

“Hiện nay, dù việc chuẩn hóa thuê bao, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo từ số thuê bao di động đã hạn chế nhưng những cuộc gọi lừa đảo từ số điện thoại cố định lại bắt đầu gia tăng. Vì thế, việc hiển thị tên định danh cuộc gọi là một điều rất cần thiết để người dân biết cơ quan, đơn vị nào đang gọi, tránh tình trạng bị lừa. Tuy nhiên, song song với việc định danh cuộc gọi thì các nhà mạng cần đẩy mạnh chuẩn hóa thuê bao để không còn những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo” - chị Hà chia sẻ.

Phải tiếp tục chuẩn hóa thuê bao

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cho biết việc định danh cuộc gọi gần đây của Bộ TT&TT có tác dụng nhằm hạn chế các cuộc gọi lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, nhà mạng… Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các cuộc gọi lừa đảo thường xuất hiện từ các số di động rác, số điện thoại bàn hoặc các dịch vụ OTT khiến việc truy xuất thông tin người gọi gặp khó khăn.

Hiện các nhà mạng vẫn đang tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao để hạn chế SIM rác. “Khi việc chuẩn hóa thông tin thuê bao được nhiều, việc xác định người đứng sau cuộc gọi rác, lừa đảo sẽ dễ dàng hơn vì có thể truy xuất nhờ CCCD gắn chip. Tương tự, nếu kẻ gian sử dụng số điện thoại bàn để lừa đảo, việc truy xuất thông tin của cơ quan chức năng cũng dễ dàng thực hiện” - ông Huy phân tích.

Một chuyên gia công nghệ cho biết đa phần những kẻ lừa đảo thường đánh vào lòng tham, tâm lý sợ hãi và sự dễ dãi của người dân. Để tránh bị lừa từ những cuộc gọi, chúng ta cần nắm rõ ba điều.

Thứ nhất, những kẻ gian thường tạo ra cảm giác cấp bách để nạn nhân không kịp suy nghĩ nhằm dễ dàng dính vào bẫy được đặt sẵn. Vì thế, chúng ta hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào bẫy.

Thứ hai, khi nhận được cuộc gọi lạ, chúng ta phải tìm hiểu thêm để xác thực thông tin mình nhận được đúng hay sai. Nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, người dân hãy kiểm chứng bằng cách liên hệ trực tiếp với các cơ quan, đơn vị, người có liên quan.

Thứ ba, tuyệt đối không gửi thông tin cho bất cứ ai nếu chúng ta chưa kiểm chứng.

Đã chuẩn hóa 7,2 triệu thuê bao

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp di động đã hoàn thành đối soát hơn 125 triệu thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có hơn 108 triệu thuê bao (86,53%) có thông tin trùng khớp.

Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các biện pháp rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao với gần 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp.

Đến ngày 30-8-2023, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân và xã hội, các doanh nghiệp viễn thông di động đã xử lý toàn bộ 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cụ thể, đã chuẩn hóa 7,2 triệu thuê bao, khóa một chiều 3,172 triệu thuê bao, khóa hai chiều hơn 4,8 triệu thuê bao, thu hồi hơn 1,8 triệu thuê bao. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm