Đỉnh Everest, được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" với độ cao gần 8.848 m, luôn là đích đến của các nhà leo núi hay các nhà thám hiểm với mong muốn được thử thách bản thân.
Lều bị người leo núi bỏ lại trên Everest. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều người đến đây đang khiến ngọn núi trở thành một "tụ điểm du lịch" không có người quản lý. Họ đến rồi rời đi, để lại hàng tấn rác thải từ lều phản quang, dụng cụ leo núi, bình gas rỗng, chất thải... Điều này đang gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề môi trường.
Theo thống kê, chỉ từ đầu năm đến nay đã có khoảng 600 người leo lên Everest khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
"Thật kinh khủng và chướng mắt. Ngọn núi đang phải chịu đựng hàng tấn rác thải" - ông Pemba Dorje Sherpa, người từng lên đỉnh Everest 18 lần, bày tỏ sự bất bình với tờ AFP.
Vỏ lon, túi nylon... nằm la liệt trên đỉnh núi. Ảnh: AFP
Ngoài ra, việc biến đổi khí hậu đã khiến băng trên đỉnh núi tan ra, để lộ vô số rác thải mà đỉnh núi đã chôn giấu nó trong suốt 65 năm qua, kể từ lần đầu tiên Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục nóc nhà thế giới.
Để bảo vệ môi trường, năm năm trước, giới chức Nepal đã ra quy định mỗi nhóm leo núi phải đóng tiền ký quỹ 4.000 USD và sẽ được hoàn lại nếu mỗi người đem xuống núi ít nhất 8 kg rác thải.
Ở ngọn núi Himalaya thuộc khu vực Tây Tạng, giới chức yêu cầu những người leo núi phải mang xuống đúng lượng hành lý mà họ mang lên núi, và sẽ phạt tiền 100 USD cho mỗi ký hành lý bị bỏ lại.
Theo Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha (SPCC), vào năm 2017, những người leo núi ở Nepal đã mang xuống gần 25 tấn rác và 15 tấn chất thải. Năm nay, dự kiến số lượng rác tồn đọng trên đỉnh núi sẽ còn kinh khủng hơn khi những người leo núi gần như chỉ mang xuống một nửa hành lý lúc họ leo lên.
Nhiều nhà leo núi đã lựa chọn việc bỏ tiền đặt cọc 4.000 USD. Số tiền này so với việc 20.000-100.000 USD mà họ dám bỏ ra để lên đến đỉnh Everest thì chẳng đáng là bao.
Năm ngoái người ta đã đem hàng chục tấn rác từ trên núi xuống. Ảnh: AFP
Chưa kể, nhiều quan chức đã chấp nhận một khoản hối lộ nhỏ để nhắm mắt làm ngơ trước việc ngọn núi ngày một phủ đầy rác.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng quá tải, cũng như việc những người leo núi thiếu kinh nghiệm đang bị các công ty du lịch thám hiểm giá rẻ thu hút. Sự thiếu chuyên nghiệp dẫn đến công tác tổ chức yếu kém và hậu quả là môi trường đang phải gánh chịu.
Thường những công ty du lịch hoặc nhóm leo núi sẽ thuê một người hướng dẫn viên địa phương, thường được gọi là Sherpa, đi cùng. Đồng thời, những người này sẽ hỗ trợ trong việc mang vác lều trại, dây leo núi, bình ôxy. Riêng những người leo núi buộc phải tự mang những dụng cụ cá nhân như quần áo, thực phẩm, túi ngủ...
Tuy nhiên, những người leo núi ngày nay gần như không chịu tự mang theo bất cứ thứ gì và đẩy hết cho Sherpa mang hết mọi thứ. Thành ra lúc leo xuống họ cũng chỉ mang theo những thứ cần thiết và buộc phải bỏ lại rác.
Các nhà môi trường còn lo ngại rằng việc ô nhiễm trên đỉnh Everest cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước dưới thung lũng. Hiện tại, nước thải thô từ bãi cắm trại trên đỉnh Everest sẽ đổ thẳng xuống một ngôi làng gần đó khoảng một giờ đi bộ, theo những rãnh nước.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phương pháp lắp đặt một hầm biogas gần khu vực cắm trại trên đỉnh Everest để biến phân người thành một loại phân bón hữu ích.
Thêm vào đó, ông Ang Tsering Sherpa, cựu chủ tịch của Hiệp hội Leo núi Nepal, cũng đang thành lập những nhóm thu gom rác chuyên nghiệp để giảm tải số lượng rác thải tại đây.