Theo báo cáo Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của UNICEF năm 2022 chỉ ra, khoảng 20% trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần, trong đó phổ biến như: Rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm, tự tử.
Trước con số biết nói trên, một tên gọi cho Gen Z ra đời - “Thế hệ bông tuyết”. Những “bông tuyết” sớm được nuôi dưỡng trong sự phát triển của công nghệ thông tin, mạnh về tri thức nhưng cũng dễ bất ổn về mặt cảm xúc, dễ mắc các vấn đề tâm lý và thường xuyên tìm đến các biện pháp để “chữa lành”.
Gen Z xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Dám bộc lộ sự yếu đuối là biểu hiện của lòng can đảm
Chia sẻ với PLO, bạn Phan Thùy Vân (24 tuổi, sống tại TP.HCM), cho biết bản thân đã từng luôn cảm thấy nặng nề mỗi khi nghĩ đến công việc vì những áp lực ở môi trường công sở.
"Khi đó mình là sinh viên vừa ra trường, làm việc trong một công ty lớn áp lực hơn những gì mình nghĩ rất nhiều. Mình luôn trong trạng thái căng thẳng khi làm việc, sợ bản thân mắc lỗi sẽ bị sếp khiển trách, nên mọi việc càng không đạt hiệu suất.”
Và lựa chọn của Vân đó là tâm sự với gia đình với mong muốn sẽ được động viên và ủng hộ Vân tìm nơi làm việc khác phù hợp năng lực hơn.
“Tuy nhiên, điều mình nhận được chỉ là thái độ không quan tâm và quy chụp rằng thế hệ trẻ chúng mình đang nghiêm trọng hóa vấn đề lên. Nhưng mà Gen Z chấp nhận bị chê là “yếu đuối” cũng được, miễn sao điều thay đổi đó khiến tụi mình tốt hơn trước” - Vân nói.
Cũng là một Gen Z, bạn Tuyết Linh chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Hiện tại, bên cạnh thời gian ở văn phòng 8 tiếng, mình còn kiêm luôn cả việc làm gia sư tiếng Anh. Tuy quay cuồng trong khối lượng công việc chồng chất nhưng mình vẫn sắp xếp học piano 5 buổi/ tuần. Khi mình cảm thấy quá áp lực với nhịp độ này, mình sẽ rủ bạn bè đi chơi hay những chuyến du lịch ngắn để giải tỏa”.
Linh cũng là trường hợp Gen Z thường phải nghe những người xung quanh nói về mình: “Suốt ngày than thở cần đi chữa lành".
“Mọi người thường lập luận rằng thế hệ ông cha ta đã phải trải qua nhiều khó khăn và vất vả, nên việc chúng em sống trong thời đại phát triển ngày nay nhưng vẫn mắc các bệnh về tâm lý cho thấy chúng em quá yếu ớt và nhạy cảm".
Linh cũng bày tỏ thêm: Mong xã hội hãy có cái nhìn cởi mở hơn về thế hệ Gen Z khi ngày nay họ phải đối diện với quá nhiều kỳ vọng.
Đã đến lúc xã hội nên ngừng gắn mác Gen Z
Trao đổi về quan điểm gọi Gen Z là "thế hệ bông tuyết", Thạc sĩ Nguyễn Anh Khoa, giảng viên ngành Tâm lý học, trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM cho hay, đây chỉ là cái nhìn chủ quan: "Gen Z ngày nay không ngần ngại bộc lộ cảm xúc thật và tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để giải quyết các vấn đề về tâm lý. Đây có lẽ là lý do khiến xã hội nhìn nhận rằng họ có phần yếu đuối. Thực chất, điều này cho thấy họ đã thẳng thắn đối diện với cảm xúc của mình chứ không chỉ im lặng mà chịu đựng."
Mặc dù được xem là thế hệ “dễ tổn thương”, Gen Z vẫn được coi là những người tiên phong trong việc tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nếu trước đây, mọi người ngại nói về sức khỏe tinh thần, trốn tránh các vấn đề của bản thân hay thậm chí nghĩ rằng bệnh tâm lý là một điều tệ hại để nói ra, thì thế hệ Gen Z đang xem sức khoẻ tinh thần là phần quan trọng trong cuộc sống. Giống như bước đầu tiên để “chữa lành”, bạn phải chấp nhận rằng bản thân khó có thể chịu đựng được áp lực.
Theo ThS. Nguyễn Anh Khoa, giống như cơ thể, tâm hồn của chúng ta cũng cần được chăm sóc mỗi ngày, 2 hoạt động thiết yếu có thể giúp Gen Z nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần là:
Thứ nhất, dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục, thể thao hoặc đơn giản hơn như thực hành thiền. Các hoạt động này sẽ giúp não bộ tiết ra các hormon làm giảm căng thẳng và giúp cải thiện trạng thái tinh thần.
Thứ hai, giữ lịch sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc là điều kiện quan trọng để có được tinh thần khỏe mạnh.