Tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang là vấn nạn nhức nhối của các DN, đặc biệt trong lĩnh vực điện máy. Nhiều dịch vụ, cửa hàng có tên gọi na ná các thương hiệu lớn khiến không ít NTD lâm phải tình trạng tiền mất tật mang, ảnh hưởng đến thương hiệu của DN. Vì vậy luật pháp cần được rõ ràng hơn để việc cạnh tranh giữa các DN ngày càng lành mạnh.
Người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các trung tâm điện máy uy tín như Nguyễn Kim để tránh thiệt hại đến quyền lợi.
Giả danh nhân viên của siêu thị
Đó là trường hợp cô Nguyễn Thị Dung (quận 9, TP.HCM) có nhu cầu sửa tivi và tìm thông tin siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên mạng. Sau đó, có nhân viên đến sửa chữa, tính phí khoảng 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sửa xong tivi vẫn không coi được. Cô Dung liên lạc điện thoại với nhân viên thì “ò í e” nên trình báo công an và phát hiện ra dịch vụ trên mạng và nhân viên đều là giả danh của Nguyễn Kim. Đáng chú ý các phiếubảo hành, phiếu thanh toán không phải của Nguyễn Kim nhưng nhân viên cố tình mặc đồng phục của Nguyễn Kim để mạo danh sửa chữa cho khách hàng.Trang web này cũng thừa nhận đã mạo danh Nguyễn Kim để làm các dịch vụ sửa chữa.
Không chỉ mạo danh nhân viên, tại Long An, có cơ sở còn lấy nguyên logo của Nguyễn Kim trưng lên cửa hàng của mình. Sau khi báo với cơ quan chức năng, vụ việc mới được xử lý…
Trước tình hình đó, Nguyễn Kim khuyến cáo NTD nên cẩn trọng khi mua sắm hàng điện máy, chọn lựa và sử dụng các dịch vụ bảo hành sửa chữa từ các DN uy tín để tránh gặp “bánh vẽ”. Cần xem kỹ các biểu mẫu, giấy chứng nhận bảo hành và nhận diện thương hiệu Nguyễn Kim khi mua hàng và sử dụng dịch vụ.
Ảnh chụp tại một cửa hàng ở Đức Hòa – Long An (không thuộc hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim)
DN khó biết kiện ai
Mặc dù thương hiệu Nguyễn Kim đều đã được đăng kí bảo hộ thương hiệu nhưng hiện nay có nhiều DN có tên giống như họ, liệu các đơn vị này có sai? Luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng Văn phòng Luật sư A Hoà phân tích, Luật DN có quy định, tên DN không được trùng lặp hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó.
Tên DN thường gồm hai phần, phần chung là các yếu tố chỉ loại hình và chức năng hoạt động của DN, phần riêng là phần tự đặt. Tên DN khi đăng ký thành lập không được trùng với tên DN đã đăng ký trước. Nếu tên đơn vị đăng ký sau có phần riêng giống với phần riêng của tên DN đăng ký trước nhưng phần chung khác thì đơn vị này vẫn được cơ quan nhà nước chứng nhận. Nhưng việc cấp tên DN như vậy vẫn có khả năng bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký. Trường hợp tên đơn vị đi sau có phần riêng giống với phần riêng của tên DN đăng ký trước nhưng loại hình hoạt động khác nhau thì họ vẫn có thể được cơ quan nhà nước cấp đăng ký kinh doanh và tên DN như vậy không sai.
Luật sư Trần HảiĐức, Công ty Luật TDL - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tếÁ Châu, cho biết việc các đơn vị, tổ chức kinh doanh có các website mạo danh với các thương hiệu có uy tín thì các đơn vị bị mạo danh có thể kiện. Trong đó, DN bị mạo danh cần chứng minh họ đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu của mình tại Việt Nam cũng như thế giới.Thứ hai, các DN bị mạo danh cần chứng minh việc các đơn vị chiếm hữu tên miền, thương hiệu trùng lắp gây nhầm lẫn với thương hiệu mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.
Cùng nhận định trên, luật sư Hương lý giải, theo Luật thông tin, về tên miền, các cá nhân, tổ chức có thể đăng ký chiếm giữ bất kỳ tên miền nào theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì được. Tên miền có thể được đăng ký miễn là có khác chút ít so với tên miền đã đăng ký trước. Thực tế có rất nhiều tên miền bao gồm tên thương hiệu đã được đăng ký sử dụng. Chẳng hạn “Nguyễn Kim” có rất nhiều tên miền đang tồn tại mà không thuộc sở hữu của trung tâm này như: www.baohanhnguyenkim.com; www.suachuadienmaynguyenkim.net... Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu các thương hiệu uy tín có thể yêu cầu luật pháp giải quyết về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với các đơn vị đi sau có tên miền hoặc tên thương mại cố tình làm cho NTD lầm tưởng là của các thương hiệu uy tín.