Theo đó, để bảo đảm đời sống người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động và đình công xảy ra trong dịp tết Đinh Dậu 2017, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, thưởng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các tháng giáp tết.
Phối hợp với Liên đoàn Lao động tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp phải được thực hiện xong trước ngày 31-12-2016 và công bố công khai cho người lao động được biết.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đình công xảy ra trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán;
Chủ trì, phối hợp với công đoàn cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên để nghe ý kiến và hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường khi xảy ra đình công; cập nhật biến động lao động sau tết Nguyên đán, nhất là lao động ở các khu công nghiệp tập trung, để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu lao động, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đề nghị các tổ chức đoàn thể tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình người lao động không có điều kiện về quê mà đón tết tại nơi cư trú.