Đo chữ “tín” càng cụ thể càng tốt

Việc Quốc hội (QH) công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo thể hiện nhiều tín hiệu đáng mừng. Một mặt “đã hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó” (lời của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng), mặt khác khẳng định việc dân chủ hóa đời sống chính trị trong hoạt động của QH không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là thể hiện “bản lĩnh chính trị”, “quyết tâm chính trị” khi QH muốn hoàn thiện mình trong hoạt động giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, của từng chức danh Nhà nước chủ chốt do QH bầu ra và phê chuẩn.

Nhiều cử tri vui mừng vì lần này chữ “tín” được lượng hóa bằng các thang đo “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Việc này ít nhiều phản ánh một cách khách quan mức độ tín nhiệm cho từng chức danh.

Cũng có những ý kiến khác nhau thậm chí trái ngược nhau về phương thức đánh giá, phương thức tổ chức, các thang đo. Nhưng công bằng mà nói cách thức tổ chức đánh giá và quyết định công khai hóa kết quả của QH lần này thể hiện sự làm việc khoa học, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Nó chuyển từ sự đánh giá một cách khái quát, chung chung sang cách làm cụ thể; từ định tính sang định lượng; từ “vô hình” sang “hữu hình”; từ cảm tính sang lý tính. Nói khác đi, chữ “tín” đã được đặt lên bàn cân và thể hiện bằng những con số có sức thuyết phục. Chính nó ít nhiều phản ánh được bức tranh chung về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, tư pháp của đất nước. Cũng từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho những năm sau (lời của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng).

Nhiều cử tri còn kỳ vọng chữ “tín” không những được “cân, đo, đong, đếm” theo những thang đo mang tính chung chung mà còn phải được cụ thể hơn nữa. Lúc đó việc đánh giá càng xác thực hơn, khách quan hơn, khoa học hơn và tất nhiên là thực chất hơn. Đối với những chức danh chủ chốt mà QH bầu và phê chuẩn, chữ tín còn thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau có thể “đo” được như mức độ tuân thủ các nguyên tắc Đảng; tác phong lối sống; mức độ cũng như tính hiệu quả của các chủ trương, quyết sách do chính mình đề ra và hiệu quả của nó; kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý

Có như thế, chắc chắn rằng quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, của QH sẽ được nâng cao cả về chất lẫn lượng; cử tri cả nước sẽ “thấy rõ” được vai trò, địa vị của mình trong vai trò là người làm chủ của đất nước. Đồng thời, chính mỗi thành viên, cá nhân được đánh giá cũng có cơ hội để nhìn lại mình, đánh giá nghiêm túc các mặt, các khía cạnh, các công việc mà họ đã (hoặc chưa) hoàn thiện. Sau đó, họ dần từng bước hoàn thiện, thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ được nhân dân giao phó.

Thiết nghĩ đó cũng chính là mục đích cuối cùng và duy nhất trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm và cũng không ngoài sự kỳ vọng của tất cả cư tri trong cả nước.

TS PHẠM ĐI, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Cần theo dõi chặt “hậu lấy phiếu”

Tôi rất hoan nghênh khi toàn bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công khai. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này là cơ hội để các vị trí lãnh đạo chủ chốt nhìn vào đó mà nỗ lực làm việc vì dân, vì nước hơn nữa.

Mặc dù không có gì quá bất ngờ khi hầu hết các vị trí đều vượt quá bán, song có thể nói con số này có liên quan trực tiếp tới hiệu quả công tác điều hành kinh tế của Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Cuộc lấy phiếu trên và những con số chỉ có giá trị và mang ý nghĩa thiết thực khi thời gian tới đây, các vị lãnh đạo sẽ có những hành động cụ thể để xoay chuyển tình hình. Các đại biểu QH cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình “hậu lấy phiếu” để có những đánh giá chính xác hơn vào lần sau.

PGS-TS PHƯƠNG NGỌC THẠCH, Phó Chủ tịch
Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM

Người dân chờ ở hành động

Sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm này, chúng ta có thể mở rộng hơn nữa các hình thức cũng như phạm vi thực hiện dân chủ từ trong Đảng, Nhà nước và xã hội. Có thể tiến hành lấy phiếu tín nhiệm từ các cộng đồng dân cư đối với một số chức danh nào đó, trước khi điều này được thực hiện tại Quốc hội chẳng hạn.

Tôi nghĩ khi được tổ chức một cách bài bản, hợp lòng dân thì những giá trị mà nó mang lại thường là tích cực. Chính tiếng nói phản hồi từ nhân dân (qua đại biểu QH hoặc trực tiếp) là thước đo cần thiết để bộ máy có những điều chỉnh đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tôi quan sát thấy có bộ trưởng đã hơi bị “sốc” khi thấy mình bị đánh giá thấp. Điều này chứng tỏ kết quả đánh giá có tác động trực tiếp đến suy nghĩ, tâm lý của các vị trí lãnh đạo ở trung ương. Nhưng cái mà người dân mong muốn hơn là qua đây những tác động đó sẽ được hiện thực hóa bằng những hành động, với những quyết sách cụ thể để điều hành nền kinh tế - xã hội của đất nước hiệu quả hơn.

TS HỒ BÁ THÂM, nguyên Vụ trưởng - Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia

Không ỷ lại khi được tín nhiệm cao

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như công bố công khai kết quả vừa rồi mang ý nghĩa rất tích cực trong tiến trình dân chủ hóa.

Nhân dân mong rằng từ kết quả này, các vị trí bị đánh giá tín nhiệm thấp cần phải suy nghĩ để cùng cải thiện công tác của mình một cách tốt hơn. Tuy nhiên, người được đánh giá cao cũng phải hết sức giữ gìn mình, không nên ỷ lại vào kết quả đó mà có những hành động không phù hợp.

GS TRẦN ĐÌNH BÚT, nguyên thành viên tư vấn Chính phủ

Cần chất vấn tại sao ít được tin tưởng

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy các lãnh đạo khối lập pháp nhận được phiếu tín nhiệm cao hơn khối hành pháp. Tôi cho rằng điều này phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay.

Đây là lần đầu tiên QH thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm và bước đầu thấy có tác dụng lớn. Tuy nhiên, tới đây cần tiến hành các bước tiếp theo. Đơn cử như từ kết quả này khi vào các phiên chất vấn, đại biểu QH nên đặt thẳng câu hỏi đối với những lãnh đạo có nhiều phiếu tín nhiệm thấp là “Vì sao ông (bà) lại ít được tin tưởng?” để từ đó những người được hỏi nghiêm túc nhìn lại chính mình, đề ra kế hoạch mới hoặc có thể phản hồi lại kết quả bỏ phiếu… Hoặc song song với bỏ phiếu tín nhiệm, QH yêu cầu các lãnh đạo ngành ít được tín nhiệm giải trình và yêu cầu xây dựng ngay một kế hoạch mới. Làm được như vậy vừa thể hiện tính dân chủ lại vừa thể hiện chất lượng của việc đánh giá rà soát.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới