Mới đây, PLO có đăng tin "Công an điều tra một phụ nữ bị hành hạ dã man nghi do cuồng tín". Theo nguồn tin của PLO, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể nghi do bị bạo hành đối với chị TTBD (33 tuổi) để điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, vào ngày 18-4, chị TTBD đến Công an phường Phú Thủy (TP Phan Thiết) trình báo bị chồng cũ là NTT (33 tuổi, trú tại Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết) và ba người chị của chồng cũ thường xuyên dùng tay chân, chày gỗ đánh gây thương tích.
Theo tố cáo của chị D, sau khi kết hôn về ở với gia đình chồng, cuộc sống bình thường, hạnh phúc.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, nhiều người trong gia đình chồng bị dụ dỗ tham gia vào tổ chức có tên "Thiên Triều Nam Quốc".
Họ cho rằng chị D là con gái của… Tư Mã Ý (nhà quân sự thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa), là “yêu quái” đầu thai và về làm dâu để hãm hại cả gia đình của họ nên sau khi ép buộc ly hôn, cả gia đình liên tục đánh đập, hành hạ thậm chí ép chị D uống nước lau nhà, nước thải…
Đáng chú ý, mấy ngày qua một số đoạn clip được đưa lên mạng xã hội được cho là hình ảnh cúng bái kỳ dị, cuồng tín của gia đình chồng cũ chị D, thậm chí họ còn dựng lên pháp trường để “hành hình” các hình nộm mà họ gọi tên bằng cách ném vào chảo lửa.
Trước thông tin trên, một số bạn đọc mong công an sớm tìm ra sự thật trong câu chuyện mà nạn nhân cho rằng bị đánh đập do cuồng tín này. Bởi câu chuyện có vẻ khó tin. Bạn đọc cũng thắc mắc hành vi truyền bá hình ảnh cuồng tín, mê tín dị đoan sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích các quy định pháp luật xoay quanh hành vi cuồng tín, mê tín, dị đoan và hành vi cố ý gây thương tích như sau:
Về xử phạt hành chính, đối với người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (theo điểm b khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022).
Còn với những người hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 14 Nghị định số 38/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Còn về xử lý hình sự thì Điều 320 BLHS quy định người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, cuồng tín, dị đoan khác đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trường hợp làm chết người, thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì mức hình phạt từ ba năm đến 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trường hợp hậu quả của hành vi mê tín, dị đoan chưa đến mức gây chết người nhưng người vi phạm làm cho bị hại bị thương tích thì có thể bị xử lý hình sự về “tội cố ý gây thương tích tích” theo quy định tại Điều 134 BLHS.
Theo đó, tùy thuộc vào mức độ thương tích của bị hại mà người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình phạt tương ứng.
Nếu người vi phạm gây thương tích cho bị hại chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng theo quy định tại khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021.