Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ công tác triển khai thực hiện ứng dụng định danh điện tử VnelD. Trong đó, ngành công an khẳng định việc triển khai ứng dụng đã tạo niềm tin, sự ủng hộ của người dân và tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân
Bộ công an cho biết hiện tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các cổng dịch vụ công là trên 11,6 triệu, số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng Cục thuế là 941.045 lượt và trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là hơn 9,4 triệu lượt. Tổng số tiền tiết kiệm được cho Nhà nước ước tính 230 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hiện 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân; đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các Bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt mỗi ngày từ đầu năm đến nay.
Bộ Công an cũng đã tích hợp CCCD trên tài khoản định danh điện tử với khoảng 200.000 lượt truy cập, sử dụng hàng ngày. Từ đó, giúp người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử làm thủ tục tại các sân bay nội địa mà không cần xuất trình CCCD.
Thêm vào đó, ứng dụng VNeID tích hợp thông tin cư trú của công dân, gồm thông tin hành chính của chủ hộ và các thành viên khác trong hộ gia đình lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy.
Quá trình đưa vào ứng dụng VNeID, Bộ Công an đã tiếp nhận 5.974 kiến nghị phản ánh từ người dân. Việc này, tạo thuận tiện cho người dân trong việc phản ánh về tình hình an ninh - trật tự mà không phải đến cơ quan Công an, góp phần giúp phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa.
Hiện Bộ Công an đã tích hợp xong với Công ty cổ phần Đầu tư và công nghệ Epay và đang triển khai tích hợp với dịch vụ ví điện tử của đơn vị Gtel. Điều này sẽ giúp người dân có thể thanh toán trên ví điện tử với các dịch vụ thiết yếu như thanh toán điện, nước, truyền hình, internet, nạp tiền điện thoại...
Cạnh đó, hệ thống VNeID tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 148.537 dữ liệu thông tin bảo hiểm xã hội, 16,8 triệu dữ liệu thông tin bảo hiểm y tế trên tài khoản định danh điện tử .
Hiện ngành công an đang tập trung triển khai các tiện ích khác trên VNeID, như số sức khỏe điện tử để thí điểm tại TP Hà Nội; tiện ích cấp phiếu lý lịch tư pháp đang triển khai thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; nghiên cứu triển khai nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông; sổ bảo hiểm xã hội để phục vụ người dân sử dụng thay giấy tờ, tra cứu thông tin tiêu thụ điện, các tiện ích, dịch vụ khối ngân hàng, tài khoản an sinh xã hội...
Bổ sung tính năng nộp hộ hồ sơ
Dù vậy, Bộ Công an cho rằng quá trình triển khai ứng dụng cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, còn tình trạng lỗi hệ thống ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký cấp, cập nhật tài khoản định danh điện tử.
Trong một vài thời điểm, việc đăng nhập vào tài khoản trên ứng dụng VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Công an còn gặp phải tình trạng tắc nghẽn, đường truyền chậm khiến thao tác bị gián đoạn.
Thêm vào đó, thiết bị điện thoại di động của người dân có cấu hình yếu dẫn đến khó đăng nhập... gây mất nhiều thời gian, công sức khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngành Công an.
Nhiều biểu mẫu, hồ sơ thủ tục khi đăng nhập bằng VNeID để thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia vẫn yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin, giấy tờ chứng minh, chưa tối ưu hóa toàn trình và cắt giảm thủ tục.
Trước khó khăn trên, Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương từ ngày 1-7-2024, chỉ sử dụng tài khoản định danh điện tử trên cổng dịch vụ công.
Bộ Công an cũng cho biết thời gian tới sẽ khắc phục triệt để các lỗi phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, xây dựng, bổ sung, tích hợp thêm các dịch vụ công trực tuyến thực hiện trực tiếp trên ứng dụng VNeID hoặc phát triển, bổ sung thêm chức năng thao tác một chạm giúp di chuyển thẳng đến cổng dịch vụ cổng quốc gia để nộp hồ sơ, không phải đăng nhập lại mà sử dụng thông tin từ ứng dụng VNeID đã đăng nhập trước đó.
Đối với người dưới 14 tuổi (chưa có CCCD và chưa có tài khoản), người cao tuổi, khuyết tật hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn không sử dụng thiết bị thông minh, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm chức năng nộp hộ hồ sơ.
Theo đó, cha mẹ, người giám hộ, người thân hoặc cán bộ, công chức, viên chức tại các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính có thể thực hiện nộp hồ sơ hộ cho nhóm người trên.
Theo Bộ Công an, ứng dụng VNeID đang cung cấp 16 tiện ích. Trong đó, có bảy tiện ích mới.
Cụ thể, thông tin cư trú (Hộ khẩu online); Tích hợp thông tin thẻ CCCD gắn chíp mới nhất và lịch sử thông tin thẻ CCCD, chứng minh nhân dân.
Tích hợp thông tin người phụ thuộc (con dưới 14 tuổi hoặc người giám hộ) được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tích hợp thông tin giấy phép lái xe, đăng ký xe.
Tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế; Tích hợp thông tin quá trình tham gia bảo hiểm xã hội; Tích hợp thông tin lịch sử khám chữa bệnh (Sổ sức khỏe điện tử).