Do COVID-19, công nhân Việt mong muốn sớm về nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Nguyễn Văn Thanh, công nhân thuộc Công ty cổ phần CMVIETNAM, cho biết hiện có hơn 200 người Việt làm việc tại dự án thủy điện Sendje, thuộc tỉnh Litorial, Cộng hòa Guinea Xích đạo (quốc gia thuộc khu vực Tây Phi, cũng là quốc gia duy nhất ở châu Phi nói tiếng Tây Ban Nha) đang đối diện với dịch COVID-19.

Bắt làm việc dù đang ho, sốt?

Ngày 30-6, cơ quan y tế nước này công bố 24 mẫu xét nghiệm ở công trường thì có 22 ca dương tính với COVID-19. “Ca nhiễm đa số là công nhân Việt Nam (VN) nên mọi người rất lo lắng. Trong khi đó, tổng thầu vẫn yêu cầu những người còn lại đi làm việc mặc dù họ có biểu hiện nhiễm COVID-19. Nếu không đi làm, tổng thầu từ chối cung cấp đồ ăn…” - anh Thanh nói.

Trong khi đó, chị Hồng Thúy (ngụ thôn 3, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết có hai người anh là Phan Xuân Lượng và Phan Thanh Châu đang làm công nhân cho Công ty cổ phần CMVIETNAM ở khu thủy điện trên. Hiện cả hai đều có biểu hiện ho, sốt nhưng không được đưa đến bệnh viện.

Ngày 4-7, chị liên lạc được với hai anh. Họ cho biết những người đang bị cách ly ăn uống kham khổ, còn những người khác tổng thầu đều ép đi làm việc. Khi công nhân phản ứng, họ cắt hết Internet và thuê quân đội vào để dọa.

“Hiện người thân các công nhân đều đã liên hệ với công ty yêu cầu đưa con, em về nước. Nhưng họ nói đang làm việc với tổng thầu và vẫn tiến hành các thủ tục đưa công nhân về nhưng đến nay chưa có thông tin gì, khiến người nhà chúng tôi rất bức xúc…” - chị Hồng nói.

Trao đổi với PV, ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng nhân sự, Công ty cổ phần CMVIETNAM, xác nhận công ty hiện có 164 công nhân người VN đang thi công dự án thủy điện Sendje và phải đối diện với dịch COVID-19.

Kết quả xét nghiệm đợt 1, công ty ghi nhận 15 trường hợp công nhân bị nhiễm COVID-19. Hiện số công nhân này được đưa đến BV quốc tế Lapaz và khách sạn theo chỉ định của chính phủ nước sở tại để điều trị và chăm sóc. Ngoài ra, có chín lao động có biểu hiện mệt mỏi, sốt đang được cách ly để bác sĩ theo dõi. “Các trường hợp bị nhiễm COVID-19 không có ca nào nặng” - ông Đức cho hay.

Các công nhân Việt Nam mong ngóng được về nước để tránh dịch COVID-19. Ảnh: V.THANH

Tìm phương án đưa công nhân về nước

Để ngăn ngừa dịch lây lan trong công trường, ông Trần Minh Đức cho biết tổng thầu thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, trong đó có công nhân VN. Dự kiến ngày 9 và 10-7 sẽ có kết quả xét nghiệm.

Về thông tin công nhân có biểu hiện nhiễm COVID-19 nhưng tổng thầu vẫn bắt lao động mới cung cấp thức ăn, ông Đức cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, công ty yêu cầu tổng thầu ngừng công việc tại dự án đến khi có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, tổng thầu không chấp thuận. Họ cho rằng chính phủ Guinea Xích đạo đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa, các hoạt động diễn ra bình thường. Không có yêu cầu đặc biệt dừng công trường từ chính phủ.

Cục cũng đã báo cáo lên các cấp để xem xét các bước đưa người lao động VN về nước trong thời gian sớm nhất.

Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động
ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
 

“Chúng tôi đang gặp sức ép rất lớn từ phía tổng thầu.Bởi nếu cho công nhân dừng làm việc, họ sẽ chấm dứt hợp đồng, đồng nghĩa với việc từ chối cung cấp chỗ ăn, ở, dịch vụ y tế cho người lao động…” - ông Đức giải thích và cho biết đang tiếp tục nỗ lực yêu cầu tổng thầu dừng mọi hoạt động tại công trường.

Đối với các công nhân ở khu vực cách ly, ông Đức cho rằng phải thực hiện theo quy định của nước sở tại nên xảy ra tình trạng thực phẩm không hợp khẩu vị, khẩu phần và thời gian cung cấp cho công nhân. Các vướng mắc này gây nhiều bức xúc cho công nhân và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng.

“Chúng tôi đã thành lập tổ, nhóm gồm các phiên dịch của công ty để kiến nghị tới các bác sĩ điều trị. Hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới…” - ông Đức nói.

Công ty cổ phần CMVIETNAM cũng thừa nhận có việc cắt Internet, dừng hoạt động căn tin và xuất hiện lực lượng an ninh của chính phủ ở công trường. Tổng thầu giải thích việc này do e ngại người lao động cung cấp thông tin, hình ảnh dự án ra ngoài.

Bên cạnh những giải pháp trên, ông Trần Minh Đức cho biết công ty đã làm việc với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao VN), Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hãng hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines)… để lên phương án đưa các công nhân ở đây về nước.

Dừng ngay công việc tại công trường

Cục đã nhận được thông tin trên và có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hướng dẫn người lao động chủ động phòng tránh dịch bệnh tại nước sở tại.

Đối với các ca nhiễm COVID-19 phải được đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Chúng tôi cũng yêu cầu công ty phải tạm dừng ngay công việc ở công trường để phòng tránh dịch cho công nhân. Cạnh đó, cần đảm bảo nơi ăn, ngủ, sinh hoạt trong thời gian nghỉ việc và chờ đợi về nước… Doanh nghiệp đưa đi phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động, không thể nói bị tổng thầu ép. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm