Đua nhau giảm giá
Sau những sự kiện 11-11, Black Friday, sự kiện mua sắm cuối năm 12-12 tiếp tục khuấy đảo thị trường mua sắm online dù không có nhiều điểm khác biệt so với những dịp ưu đãi trước đó.
Các sàn thương mại điện tử đua nhau giảm giá cuối năm. Ảnh: THU HÀ
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada gọi chương trình 12-12 là “Sale đậm cuối năm” với mức giảm giá lên tới 75% và 1,2 triệu ưu đãi, mã giảm giá lên đến 12 tỉ đồng trong ba ngày từ 12 đến 14-12. Ngoài ra sàn này cũng đưa ra chính sách cam kết giao hàng đúng hạn với các sản phẩm thuộc gian hàng chính hãng LazMall và được bồi thường nếu đơn hàng không được giao đúng thời hạn.
Dường như ngay sau khi đổi CEO, Lazada đang nỗ lực giành lại thị phần từ các đối thủ “cứng cựa” tại thị trường Việt. Từ đầu tháng 11, sàn này đã vung tiền chơi lớn khi tổ chức đêm nhạc kết hợp với rải ưu đãi mua sắm, thì với 12-12, người con của ông lớn Alibaba lại thể hiện độ chịu chơi khi tặng hai vé tham dự sự kiện âm nhạc 62nd GRAMMY Awards cho hai người dùng may mắn nhất của Lazada tại Los Angeles (Mỹ). Toàn bộ chi phí của chuyến đi bốn ngày ba đêm sẽ được chi trả bởi Mastercard.
Nền tảng Shopee không kém cạnh khi thông tin dịp 12-12 năm nay là dịp “Sale sinh nhật” lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó sàn này cho ra 2 giờ siêu ưu đãi từ 0 giờ đến 2 giờ mỗi ngày với nhiều sản phẩm giảm sốc chỉ từ 12.000 đồng, giảm giá chớp nhoáng đến 50%, miễn phí vận chuyển toàn quốc cùng nhiều ưu đãi khác.
Tiki cũng không bỏ sót bất cứ sự kiện ưu đãi mua sắm cuối năm nào. Khiêm tốn hơn các sàn trên, ở 12-12 sàn này tung điểm nhấn ra các sản phẩm có giá trị 12.000 đồng và các chính sách miễn phí giao vận.
Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Criteo, vào năm 2018, sự kiện mua sắm nhân ngày 12-12 đạt mức tăng lần lượt là 34% và 97% về lưu lượng và doanh số bán lẻ trực tuyến.
Đồ điện tử, công nghệ… giảm mạnh dịp cuối năm
Theo thông tin từ các sàn TMĐT, vào dịp cuối năm đồ điện tử, công nghệ… được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giảm giá từ các nhà bán hàng, sàn TMĐT và các đối tác thanh toán điện tử.
Đơn cử Tiki với các chính sách chỉ từ 49.000 của nhãn hàng điện tử Sunhouse, hay giảm đến 49% cho các sản phẩm hãng Bluestone…
Còn người dùng Shopee sẽ nhận được ưu đãi giảm giá lên đến 45% khi mua Smart TV LG 55 inch, hay quà tặng đến từ Ngân hàng Standard Chartered và Vietcombank ưu đãi giảm độc quyền đến 500.000 VND, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 0 VND khi thanh toán bằng ví điện tử AirPay.
Đối với Lazada, nền tảng này còn ký hợp tác chiến lược dài hạn với Siêu thị điện máy VinPro để triển khai ưu đãi cho người dùng ngay trên trang TMĐT. Theo đó, người dùng mua hàng trực tuyến nhận đầy đủ những dịch vụ và chính sách hậu mãi như mua tại cửa hàng. Ngoài ra các sản phẩm điện tử như tủ lạnh, bếp nướng Lock & Lock, vòng đeo thông minh cũng ghi nhận mức giảm 30%-50%.
Theo Criteo, sàn TMĐT dồn dập mở ra các đợt khuyến mãi, là do họ đang muốn mở rộng kinh doanh ở các quốc gia nên đã kéo dài các đợt tiếp thị cho đến cuối năm. Điều này có thể giúp thúc đẩy doanh số khi mức độ quan tâm và sức mua của người tiêu dùng tăng cao vào mùa lễ hội cuối năm.
Cẩn trọng chiêu trò giảm giá sốc
Giảm giá là cách thức kích thích mua sắm, tuy nhiên những vấn đề cố hữu như nâng giá để khuyến mãi ảo hoặc lo sợ hàng dỏm vẫn bị nhiều người phản ánh.
Anh Minh Long (quận Tân Phú) chia sẻ trong lúc chọn mua điện thoại trên một sàn TMĐT có tiếng, điện thoại Vsmart Live được giới thiệu là giảm 58% so với giá thị trường, từ 7,790 triệu đồng còn 3,299 triệu đồng. Theo anh Long, thực tế giá thị trường của hãng này chỉ từ 3,4 triệu đồng. Tức cao hơn mức giảm khủng 58% hơn 100.000 đồng.
Điện thoại được đề giảm giá 58% nhưng chỉ giảm so với giá thật khoảng 100.000 đồng.
“Giá 7,790 triệu đồng là giá ở thời điểm ra mắt, tới thời điểm hiện tại, giá đã khác. Việc đề giá cao rồi giảm sốc để làm khách hàng cảm thấy thích và mua ngay. Tôi không thích việc này, dù chưa vào đợt giảm giá chính mà đã có cảm giá bị gài" - anh Long bày tỏ.
Không chỉ lo lắng giảm giá ảo, chị Thanh Nhân (quận Tân Bình) cũng băn khoăn về nỗi lo mua phải hàng dỏm khi giá của sản phẩm thấp hơn nhiều so với giá thị trường nhưng vẫn được giới thiệu là hàng mới. Đơn cử Oppo F11 Pro 128 GB, giá thị trường hơn 6 triệu đồng nhưng người bán đề giá 4 triệu đồng, rồi giảm sâu còn 2 triệu đồng.
"Giá rẻ bất ngờ cũng là nỗi lo khi mua hàng online, có thể vào đợt giảm giá chính tôi sẽ chỉ mua ở các gian hàng chính hãng để khỏi tiền mất tật mang" -chị Nhân bày tỏ.