Dở khóc dở cười vì chưa quy định rõ thế nào là 'Made in Vietnam'

(PLO)- Nhiều tổ chức, cá nhân "dở khóc dở cười" khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ, nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước vì thiếu cơ sở pháp lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây Bộ Công thương gửi Chính phủ dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam (Nghị định).

Như thế nào là “Sản xuất tại Việt Nam”?

Theo Bộ Công thương, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Điều này khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ, nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước. Đồng thời cũng không có cơ sở pháp lý để hướng dẫn việc xác định hàng hóa của DN có được phép dán nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hay không.

Đại diện Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa cho biết, trước đây công ty có nhập khẩu một số sản phẩm từ Hàn Quốc, Ấn Độ về để xử lý hoàn thiện, đóng gói bao bì nhưng không biết nên ghi “Made in Vietnam” hay không. Do đó, công ty có công văn gửi Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan nhờ hướng dẫn.

Theo đại diện công ty Kềm Nghĩa, trước năm 2019 Bộ Công thương đã có dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, tới năm 2023 văn bản vẫn chưa được ban hành chính thức.

Trong thời gian chờ hướng dẫn chính thức, công ty tham khảo Nghị định 31/2018, Thông tư 05/2018. Sau đó, Bộ Công thương có công văn trả lời DN là đối với Nghị định 31/2018, Thông tư 05/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa có phạm vi điều chỉnh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Còn Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, Bộ Công thương đang xây dựng, chưa được ban hành chính thức... Việc xác định và ghi xuất xứ hàng hóa sẽ do DN tự xác định căn cứ các quy định hiện hành về xuất xứ hàng hóa.

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, từ năm 2019 ngành sữa đã góp ý dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, do Bộ Công thương biên soạn.

Theo nội dung tại Dự thảo thì việc ghi “Made in Vietnam” trên sản phẩm sữa sản xuất tại Việt Nam khiến DN có rất nhiều băn khoăn.

Bởi các sản phẩm sữa được sản xuất hiện nay tại Việt Nam chủ yếu ở dạng sữa bột và sữa dạng lỏng. Đối với sữa bột, nguyên liệu thường được các DN nhập khẩu từ Newzeland, Mỹ, Úc, Pháp,…về Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo ra ra các dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam cũng như tình trạng sức khỏe của các đối tượng người dân, DN ngành sữa phải nghiên cứu công thức. Thậm chí DN thuê các chuyên gia trong nước và quốc tế đầu tư hàm lượng chất xám cao. Như vậy sản phẩm có được ghi là “Made in Vietnam” hay không?

Bên cạnh đó, đối với sữa dạng lỏng như sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng,… một số DN đã đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa tại các quốc gia xung quanh Việt Nam như Campuchia, Lào, Úc,… Sau đó DN đưa nguyên liệu về Việt Nam hoặc DN nhập khẩu bò sữa Mỹ về Việt Nam để chăn nuôi.

"Như vậy, sản phẩm sữa cuối cùng sản xuất tại Việt Nam được ghi là “Made in Vietnam, Lào, Campuchia, hay Mỹ, Úc,…?", nên ngành sữa chúng tôi đang rất quan ngại về những nội dung này"- bà Ngọc nêu.

"Chúng tôi rất mong nếu Bộ Công thương tiếp tục đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định về vấn đề này và những nội dung mà ngành sữa đang quan ngại sẽ được tháo gỡ. Qua đó, giúp ngành sữa tiếp tục phát triển bền vững, có nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế"- bà Ngọc chia sẻ.

Bộ Công thương cho rằng, từ thực tế trên yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các DN có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Vì vậy, Nghị định Chính phủ ban hành sẽ quy định cụ thể hàng hóa được coi là sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam. Hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Quy định các tiêu chí cụ thể trong trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam: chuyển đổi mã số hàng hóa, tỉ lệ phần trăm giá trị hay công đoạn gia công cụ thể....

Made in Vietnam
Doanh nghiệp sữa cũng từng đề nghị hướng dẫn ghi "Made in Vietnam". Ảnh: TÚ UYÊN

Cần nhanh chóng ban hành tiêu chí

Luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng Văn phòng Luật sư A Hòa, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, các quy định về xuất xứ hàng hóa hiện nay của Việt Nam còn một số bất cập.

“Chúng tôi gặp trường hợp có DN nhập khẩu bao bì, nguyên liệu hóa mỹ phẩm từ Trung Quốc về, sau đó đóng gói tại Việt Nam. Toàn bộ nhãn hiệu đều là tiếng nước ngoài được DN đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam.

Tiếp đến họ quảng cáo là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi người tiêu dùng ngộ nhận nhãn hiệu có chữ nước ngoài nghĩ ngay là sản phẩm ngoại, chấp nhận trả giá cao. Dẫn đến các DN sản xuất chân chính gặp nhiều khó khăn”- LS Hương kể

Theo Luật sư Hương, Nghị định 43/2017 và Nghị định 111/2021 đưa ra quy định DN bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa, tự xác định và cần trung thực, chính xác ghi xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, khi nào thì ghi “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại”… nhiều DN không biết nên ghi như thế nào.

Chuyên gia kinh tế, PGS TS Đặng Trọng Thịnh kể cách đây khoảng 5 năm ông cũng nêu ý kiến cần có những quy định cụ thể hàng hóa nào sẽ được ghi là “Made in Vietnam” khi tiêu thụ nội địa. Chẳng hạn, nếu quy định tỉ lệ nội địa 40% hay 100% DN được ghi “Sản xuất tại Việt Nam” nhưng có những hàng hóa của DN đầu tư nước ngoài chỉ lắp ráp ở Việt Nam, giá trị tăng ở Việt Nam thấp có phải ghi “ Made in... ” không?, rất khó khăn.

"Ngược lại nếu tỉ lệ nội địa thấp hơn, lo ngại hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam và thực tế đã xảy ra. Do đó, chúng ta cần có quy định rõ và hiện nay Bộ Công thương đề nghị xây dựng văn bản pháp luật là cấp thiết”- TS Thịnh nói.

Made in Vietnam
Hàng hóa "Made in Vietnam" cần đảm bảo cho người tiêu dùng việc tiếp cận thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa dễ dàng. Ảnh: TÚ UYÊN

Chỉ cần thông tư , không cần xây dựng nghị định riêng

Luật sư Hương cho rằng, hơn 5 năm qua Bộ Công thương chưa ban hành tiêu chí xác định hàng hóa "Sản xuất tại Việt Nam" cho thị trường nội địa, vì vậy cần nhanh chóng có định nghĩa, từ đó đưa ra các tiêu chí.

Đặc biệt, khi đã ban hành tiêu chí, Nhà nước cần đưa ra mức thuế phù hợp. Chẳng hạn, những sản phẩm nào đầu tư hàm lượng công nghệ, sáng tạo sẽ ưu đãi thuế hơn so với sản phẩm chỉ lắp ráp đơn giản. Như vậy, sẽ khuyến khích các DN có động lực sáng tạo, đầu tư vào công nghệ...

Cũng theo Luật sư Hương, Luật Bảo vệ quyền lợi 2023 cho phép người tiêu dùng được quyền biết nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhưng thực tế người dân rất khó tiếp cận.

Tuy nhiên, Bộ Công thương chỉ cần làm thông tư bổ sung cho Nghị định 43/2017 trong đó có các tiêu chí “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” và “Sản xuất tại Việt Nam” không cần xây dựng một nghị định riêng tốn chi phí ngân sách.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, xây dựng hẳn một Nghị định riêng là không cần thiết, tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước. Bộ Công thương chỉ cần xây dựng một thông tư mang tính bổ sung các Nghị định 43/2017, Nghị định 111/2021 để cụ thể hóa việc ghi “Made in Vietnam”. Trong những điều cụ thể khi thực thi, nếu sửa đổi bổ sung thì ở cấp Bộ dễ dàng hơn so với Nghị định ở cấp Chính phủ.

Năm 2023, Bộ Công thương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về quy định hàng hóa “made in Vietnam” được Bộ đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018, nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành.

Một trong những nguyên nhân là chưa đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền để Bộ Công thương ban hành Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm