'Đỏ mắt' tìm quán 'cơm bụi' đạt chất lượng

Sinh viên, người dân lao động… sau giờ học tập và làm việc thường chọn cho mình những quán cơm ăn nhanh để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Chính vì thế, các quán cơm mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu đó.

Bên cạnh những quán cơm phù hợp vệ sinh thì vẫn còn khá nhiều quán cơm kém chất lượng. Từ việc chọn nguồn thực phẩm, cách chế biến, nơi bán cũng không phù hợp vệ sinh. Có một số người cứ thấy gần những khu trường học, nhà máy, công ty… là mở quán cơm kiểu tự phát sinh, chỉ cần một xe đẩy và mái che đơn giản cũng có thể trở thành một quán cơm với sự thu hút khá nhiều khách. Đơn giản, những quán này thường bán với giá rất rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên, người dân lao động.

Nhiều quán cơm xuất hiện nhưng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh còn kém. Ảnh: NGUYÊN VÕ

Điều đáng nói ở đây là có khá nhiều quán không đảm bảo được chất lượng bữa ăn, việc vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không đảm bảo. Chính vì thế việc gia tăng ngộ độc thực phẩm cũng ngày càng nhiều. Có nhiều quán đặt ngay xe bán của mình tại những nơi ô nhiễm, thức ăn không được đậy khiến ruồi bâu, có người còn dùng tay bốc thức ăn...

Một số nơi bán một hộp thức ăn chỉ với giá 15.000-20.000 đồng với đầy thịt, cá. Nhưng với giá này thì việc lựa chọn thực phẩm tươi sống là khó đảm bảo. Không ít người chọn cá, thịt để lâu ngày để chế biến. 

Nhiều người hiện nay cứ thấy lượng người ăn càng nhiều thì xuất hiện quán cơm. Tuy nhiên, để mở được một quán cơm phù hợp với tiêu chuẩn là không hề đơn giản.

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết muốn kinh doanh quán cơm ngoài việc đăng ký kinh doanh, người bán cần đảm bảo yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như:

Đối với cơ sở phải có đủ diện tích để bố trí các khu vực bày bán thực phẩm, khu vực chứa đựng, bảo quản và thuận tiện để vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm; không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; thiết kế các khu vực kinh doanh thực phẩm, vệ sinh, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ phải tách biệt, phù hợp với yêu cầu thực phẩm kinh doanh; có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải; dụng cụ làm bằng vật liệu ít bị hư hỏng, bảo đảm kín, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên; có đủ nước sạch để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cơ sở và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN)…

Đối với trang thiết bị dụng cụ: Đủ trang thiết bị phục vụ kinh doanh, bảo quản phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm (giá kệ, tủ bày sản phẩm, trang thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm; có quy định về quy trình, chế độ vệ sinh đối với cơ sở; đủ trang thiết bị để kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh thực phẩm…

Ngoài ra, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định; chủ cơ sở hoặc người quản lý có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe,  được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với bảo quản thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm: Nguyên liệu, bao bì, thành phẩm thực phẩm phải được bảo quản trong khu vực chứa đựng, kho riêng, diện tích đủ rộng để bảo quản thực phẩm; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm và sản phẩm thực phẩm phải được chứa đựng, bảo quản theo các quy định về bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất và yêu cầu của loại thực phẩm về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm