Bí thư TP.HCM: Cần xây dựng chiến lược phát triển cây xanh

Sáng 14-8, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019-2025. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM); Phạm Đức Hải (Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM); Võ Văn Hoan (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM). Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Úc, Singapore và Hàn Quốc.

Trong hội thảo này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có đánh giá về thực trạng cây xanh ở TP.HCM và cần đẩy mạnh chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Cây xanh còn quá ít

Bí thư Nhân cho biết quy hoạch xác định diện tích cây xanh cần đạt được 6-7 m²/người nhưng hiện TP.HCM chỉ đạt 0,5 m²/người.

Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐÀO TRANG

“TP.HCM hiện nay có tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ tăng dân số ở mức cao, các quỹ đất trống trên địa bàn TP hầu như không còn nhiều. TP hiện có khoảng 13 triệu dân. Từ năm 1996 đến năm 2017, dân số thành phố tăng thêm 3,86 triệu người, những năm gần đây bình quân năm năm tăng thêm 1 triệu dân. Trong khi đó tốc độ triển khai thực hiện các khu cây xanh tập trung quy mô lớn còn rất chậm so với tốc độ gia tăng dân số” - Bí thư Nhân cho biết.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, tổng diện tích cây xanh theo quy hoạch được duyệt trên toàn thành phố khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2/người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại TP chỉ đạt mức bình quân là 1,6 m2/người (bằng 1/10 so với tiêu chuẩn), thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt.

Bí thư TP.HCM nhấn mạnh: “Theo thống kê, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh các đô thị mới đều phải dành một phần diện tích cho cây xanh tương ứng với 7 m2/người nhưng thực tế diện tích cây xanh chỉ đạt 0,5 m2/người. Trước tình trạng này, chính quyền TP, các ngành chức năng phải có các giải pháp đồng bộ và thực sự hiệu quả nhằm giải quyết không những vấn đề về chỉ tiêu đất công viên cây xanh mà còn là việc triển khai theo quy hoạch được duyệt, xóa quy hoạch "treo".  

TP.HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2030 tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, năng suất lao động phải hơn ba lần cả nước, đóng góp 30% cho phát triển kinh tế của cả nước và là trung tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là thành phố thông minh, đặc biệt là thành phố xanh. Cùng với đó, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cho sự phát triển của TP.HCM. Để hướng đến điều này, TP.HCM phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đáng sống hơn, Bí thư Nhân nhận định.

Mong nhận được chia sẻ từ các chuyên gia

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết hiện nay lượng cây xanh trên địa bàn TP đang ở mức thấp. Cụ thể, TP có hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có 102.000 cây xanh có số. Trong khi đó, Singapore có diện tích hơn 1/3 diện tích của TP.HCM và dân số chỉ hơn một nửa dân số của TP.HCM nhưng có hơn 2 triệu cây xanh. Hiện công viên cây xanh ở TP.HCM còn lạc hậu và TP.HCM phải tham khảo kinh nghiệm này. Đã đến lúc TP.HCM cần thay đổi và không thể chấp nhận như tình trạng vừa qua.

Có nhiều đại biểu, chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ở Singapore, các công viên còn được kết nối với nhau bởi hành lang xanh. Các hành lang xanh này được quản lý như công viên cây xanh. Theo đó, TP.HCM cần có quy hoạch và phát triển đô thị xanh có tầm nhìn lâu dài để tránh làm lãng phí tài nguyên đất, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo mức sống tốt hơn cho người dân trong tương lai.

Theo Bí thư Nhân, sau 50 năm phấn đấu, Singapore có 2 triệu cây xanh. Vì thế, TP.HCM cần đặt mục tiêu hình thành một chiến lược phát triển cây xanh TP.HCM.

Từ thực tiễn này, ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn những nhà quản lý, hoạch định chính sách sẽ cùng các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay giúp đổi mới cả tư duy và cách tiếp cận, vừa bổ sung cơ sở lý luận, vừa chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó, ông Nhân bày tỏ mong muốn nhận được các chia sẻ từ các chuyên gia về việc chiếu sáng nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM. Bởi chiếu sáng công cộng không chỉ nhằm vào mục đích đảm bảo an toàn giao thông, an ninh đô thị mà nó còn phải đáp ứng các giá trị về thẩm mỹ, thỏa mãn về thị giác, làm tôn lên hình ảnh của đô thị. Để tiết kiệm năng lượng và thuận tiện trong công tác quản lý chiếu sáng đô thị, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang có xu hướng sử dụng công nghệ chiếu sáng thông minh. Nghệ thuật chiếu sáng đã tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy nguồn sống tươi mới hơn, đem đến thương hiệu mang tính biểu tượng trên phạm vi toàn cầu như các thành phố lớn Paris hay Lyon (Pháp), Hong Kong (Trung Quốc) và New York (Mỹ).

 

Thu hút động vật về công viên

Ông Chuah Hock Seong, thành viên Ban giám đốc Công viên Quốc gia Singapore, cho biết Singapore thuộc nhóm có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Singapore cũng được biết đến như là một “quốc gia xanh nhất" với khoảng 40% diện tích được bao phủ bởi cây xanh và 2 triệu cây xanh có tên, có số và lý lịch. Để đạt được kết quả này, Singapore đã có quá trình 50 năm phát triển cây xanh.

Trong đó, hiện nay Singapore có 350 công viên, khu vườn với nhiều tính chất khác nhau và có đường cây xanh kết nối từ công viên này sang công viên kia; phát triển mạnh các công viên gần khu dân cư, bờ biển, bờ sông để người dân có thể tận hưởng mảng xanh này.

Đồng thời, ở Singapore sẽ có nhiều chương trình nhằm khuyến khích người dân tham gia phát triển và bảo tồn công viên. Ở nhà dân, Singapore khuyến khích công ty thiết kế, kiến trúc sư thiết kế các mô hình vườn trên sân thượng. Đặc biệt, Singapore sẽ có nhiều dịch vụ để người dân đến với công viên nhiều hơn, bao gồm cả trẻ em khuyết tật, người già… và người dân chỉ cần đi bộ không quá 8 phút là có thể tìm được cây xanh.

Từ mảng xanh đó, hiện nay Singapore đã có chim sinh sống, có động vật, sinh vật tự nhiên đến sinh sống. Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thông số kỹ thuật, tổ chức các khóa huấn luyện về chăm sóc cây xanh, TP.HCM có thể gửi người sang học, ông Chuah Hock Seong cho biết.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm