Cần mở rộng 3 quốc lộ huyết mạch qua TP.HCM

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết: “Trong năm năm tới, TP.HCM ưu tiên khơi thông hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ TP, trong đó có các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1, 13, 22”.

Tuyến QL1A (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận) thường xuyên kẹt xe kéo dài vào giờ cao điểm và dịp lễ, tết. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Sắp thông qua chủ trương mở rộng ba tuyến quốc lộ

Theo ông Phúc, các QL nói trên là các tuyến huyết mạch cần được mở rộng và hoàn thiện nhằm đảm bảo kết nối liên vùng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Sở GTVT cũng cho biết năm 2021, trên cơ sở cân đối nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, sở sẽ xem xét lập đề xuất chủ trương đầu tư với các dự án trọng điểm, cấp bách trình UBND TP thông qua chủ trương đầu tư.

Trong đó, các tuyến QL cần cải tạo, nâng cấp và mở rộng gồm: QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu), QL22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa) và QL1A (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận).

Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng QL13 dài hơn 4,5 km, mở rộng lên 53-60 m đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Dự án được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Đến năm 2017, theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Do đó, dự án mở rộng QL13 được chuyển đổi từ hình thức BOT, BT sang hình thức đầu tư sử dụng vốn ngân sách.

Dự án mở rộng QL22 (dài 5,4 km đoạn qua TP.HCM) sẽ được mở rộng 4-8 làn xe với tổng mức đầu tư 935 tỉ đồng. Trên tuyến sẽ xây hai cầu vượt tại nút Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa. Hiện Sở GTVT đang lập kế hoạch đầu tư, dự kiến thực hiện từ năm 2021 đến 2025.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A (đoạn qua TP.HCM dài 2,5 km) cũng được ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới nhằm giảm tai nạn giao thông và thông thoáng cửa ngõ phía tây nam TP. Theo đó, tuyến đường sẽ được mở rộng lên 120 m, tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỉ đồng, hoàn thành trước năm 2025. Trong đó sẽ xây dựng 10 làn xe cùng vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ.

Cần cơ chế ưu tiên giải phóng mặt bằng

Giám đốc Ban giao thông cho biết thêm: “Các dự án mở rộng QL qua TP.HCM đều đã có đề xuất chủ trương đầu tư và hiện đang đợi trình HĐND thông qua trong kỳ họp tiếp theo. Quan trọng nhất vẫn là cân đối nguồn vốn, TP đang đề xuất trung ương vốn trung hạn để đầu tư các dự án này”.

Đánh giá về thực trạng các tuyến QL trên, ông Phúc cho hay: Hiện trạng mặt cắt ngang hẹp nên hay xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời khả năng giao thương kết nối hình thành các vành đai và cửa ngõ rất hạn chế. Các dự án hoàn thành có đa mục tiêu. Cụ thể là giảm bớt tai nạn, ùn tắc giao thông, kết nối liên vùng, phát huy hệ thống kết nối với các tuyến vành đai, từ đó giúp phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Phúc, GPMB là nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ dự án giao thông nên TP đã có nhiều giải pháp. Thứ nhất, rút ngắn trình tự thủ tục, Nghị quyết 27 được Chính phủ ban hành có điểm mới, ưu tiên TP thí điểm cơ chế GPMB. Với quy định mới này, TP sẽ lập ra được quy trình GPMB rút gọn thời gian. Do đó, TP đang giao Sở TN&MT trình một quy trình thí điểm mới, không chỉ rút ngắn về mặt thủ tục mà về nội dung cũng được rút ngắn.

Thứ hai, các dự án thường hay vướng về các nền tái định cư. Vừa rồi, TP đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu giải quyết căn cơ để phục vụ công tác trên. Về giá bồi thường GPMB thì TP nghiên cứu để giá tiệm cận với giá thị trường, nhằm nhận được sự ủng hộ, chấp thuận của người dân.

“Cuối cùng là nâng cao tính chủ động của địa phương. Địa phương thành lập Ban chỉ đạo công tác GPMB. Bên cạnh duy trì tiến độ của các dự án, tôi tin rằng công tác GPMB sẽ có bước chuyển biến mới, sẽ có mặt bằng sạch đẩy nhanh tiến độ các dự án” - ông Phúc kỳ vọng.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng: “Các tuyến QL qua TP.HCM có vai trò kết nối TP với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An… Do đó, cần làm càng sớm càng tốt, để càng lâu thì chi phí GPMB đội lên càng cao”.

Theo ông Nam Sơn, mở rộng QL nên dùng hoàn toàn ngân sách trung ương và không dùng hình thức BOT. Ngoài ra, không chẻ nhỏ dự án, ví dụ tuyến QL13 đi đến Bình Dương và lên biên giới, TP nên tính luôn cả dự án dài hoặc chia làm nhiều giai đoạn để chúng ta thấy được lộ trình. Kết nối vùng mà chỉ làm một đoạn thì sẽ không tạo nên hiệu quả.

9 năm, TP.HCM cần hơn 970.000 tỉ cho giao thông

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ đầu tư hơn 650 km đường bộ, hơn 211 km đường sắt, 81 cầu lớn, 15 nút giao thông lớn; đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc, QL kết nối TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 970.654 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 399.729 tỉ đồng, vốn khác (ODA, PPP…) khoảng 570.925 tỉ đồng. 

 

Đã có quyết định về chủ trương mở rộng quốc lộ 50

Theo ông Lương Minh Phúc, mới đây UBND TP đã có tờ trình gửi HĐND TP về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50 đi qua địa bàn huyện Bình Chánh với chiều dài khoảng 7 km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 687 tỉ đồng, ngân sách TP hơn 812 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2024.

Dự án bao gồm hai đoạn: Đoạn 1 dài hơn 4 km, xây dựng mới đường song hành QL50; đoạn 2 dài gần 3 km, mở rộng đường hiện hữu, xây mới hai cầu Bà Lớn và Ông Thìn.

Tuyến này ngoài kết nối TP.HCM với Long An và Tiền Giang còn kết nối hướng Long Thành (Đồng Nai) bởi theo thiết kế có một nút giao cận cao tốc Bến Lức - Long Thành. Nếu đồng bộ cầu vượt Bình Tiên, QL50 sẽ hình thành trục Bắc - Nam mới.

Theo tính toán của Ban giao thông, từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 người tử vong vì tai nạn giao thông trên QL này. Nguyên nhân là mặt cắt QL hẹp, hiện nay mỗi bên chỉ có một làn xe hỗn hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm